Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

11/11/2021

  • lượt xem: 2066

Một trong những nguyên tắc dạy học cơ bản trong chương trình đào tạo ở Trường Chính trị là “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, nhà trường gắn liền với thực tế cuộc sống. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có quy định về nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên, học viên ở trường chính trị.

Đối với giảng viên, đã có quy định mức thời gian chế độ làm việc thành giờ chuẩn giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động khác trong đó có việc đi nghiên cứu thực tế (theo quy định tại Quyết định số 1855/QĐHVCTQG, ngày 21 tháng 04 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Nghiên cứu thực tế là một hoạt động hết sức cần thiết giúp cho giảng viên tăng cường thêm vốn kiến thức về thực tiễn làm cho bài giảng sinh động, thu hút được học viên, liên hệ mật thiết với vấn đề diễn ra trong cuộc sống.

Đối với học viên, nghiên cứu thực tế cuối khóa là một phần học trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính được nhà trường tổ chức vào cuối khóa học. Phần học này giúp học viên rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn để đánh giá, phân tích vấn đề cụ thể ở cơ sở, góp phần thực hiện trong thực tế nguyên lý “học đi đôi với hành”. Mỗi khóa học, cuối khóa học, học viên được nhà trường tổ chức đi nghiên cứu thực tế (thuộc Phần VII, theo Hướng dẫn số 134/HD-HVCTQG, ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) bao gồm: Nghiên cứu thực tế cuối khóa, ôn thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp hoặc viết tiểu luận cuối khóa thời lượng 96 tiết, trong đó thời gian đi nghiên cứu thực tế là 40 tiết (05 ngày). Kết thúc đợt đi thực tế, học viên phải viết bài thu hoạch về một chủ đề mà học viên đã lựa chọn, đăng ký. Nội dung các vấn đề nghiên cứu thực tế là những vấn đề cơ bản trong phần học của chương trình Trung cấp LLCT - HC, được tổ chức phù hợp và thiết thực, sát với mục tiêu, chương trình đào tạo của Học viện cũng như của nhà trường. Qua các chuyến đi này, học viên sẽ được thâm nhập vào đời sống thực tế để làm rõ hơn những kiến thức đã được các giảng viên giảng dạy, như: Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; quá trình, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp, mô hình tổ chức các đô thị, thành phố; các khu công nghiệp; các mô hình điển hình sản xuất kinh doanh giỏi… Bên cạnh đó, học viên còn được về với các địa danh lịch sử để sống lại với những năm tháng hào hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta dưới ánh sáng soi đường của Đảng cộng sản Việt Nam để giáo dục truyền thống, chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào dân tộc; được tìm hiểu về đời sống và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, để thấy được những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, cũng như ý nghĩa mà các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã đem lại.

Thông qua những chuyến đi nghiên cứu thực tế này, học viên được chia sẻ có thêm những kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở để vận dụng một cách nhuần nhuyễn, tự tin và có phương pháp khoa học để giải quyết các công việc ở địa phương có hiệu quả, từ đó giúp họ trưởng thành hơn. Mỗi chuyến đi đều để lại những kỷ niệm, sự trải nghiệm và khám phá. Điều giá trị hơn nữa là sự kết nối, gắn bó giữa các học viên trong lớp, giữa thầy và trò, giữa nhà trường với địa phương, sự chân thành thấu hiểu cuộc sống ở những vùng còn khó khăn, sự thân thiện trong văn hóa ứng xử, những cách lễ tân ngoại giao, những tình cảm và sự trân trọng của nhân dân các địa phương dành cho cán bộ, giảng viên học viên nhà trường là những bài học kinh nghiệm, những điều đọng lại của mỗi chuyến đi nghiên cứu thực tế.

Từ tình hình nghiên cứu thực tế của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian qua, xin có vài ý kiến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu thực tế của trường như sau:

Trước hết, cần đổi mới nhận thức về công tác nghiên cứu thực tế, phải coi đây là hoạt động thực tiễn, là nội dung bắt buộc được quy định trong Chương trình đào tạo trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Đời sống kinh tế - xã hội ở từng địa phương rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và thay đổi từng giờ, từng ngày. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta qua nghiên cứu thực tế là nắm bắt cập nhật tình hình và những thông tin kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị để vận dụng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị mình công tác. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức học tập, học trong thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, việc lựa chọn địa điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho chuyến nghiên cứu thực tế cũng là một điểm quan trọng. Cần thảo luận, bàn bạc dân chủ, kỹ lưỡng tạo sự thống nhất cao trong tập thể lớp để tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế phù hợp.

Thứ ba, công tác chuẩn bị cũng hết sức quan trọng đảm bảo thành công cho chuyến đi nghiên cứu thực tế. Phải chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, phương tiện, chỗ ăn, nghỉ chu đáo. Trước khi đến các địa phương, chúng ta phải làm tốt công tác liên hệ, trao đổi trước nội dung mà mình cần nghiên cứu để địa phương có thể chuẩn bị tốt hơn về chương trình báo cáo với đoàn.

Thứ tư, không được đồng nhất việc đi nghiên cứu thực tế với việc đi tham quan du lịch. Trong chương trình đi nghiên cứu thực tế phải có nội dung học tập rõ ràng thiết thực và phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, yêu cầu đào tạo của nhà trường và gắn với thực tế nhiệm vụ công tác của học viên.

Thứ năm, phải thực hiện tốt việc hướng dẫn nội dung nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch và đánh giá báo cáo thu hoạch. Tổ chức tốt các chuyến đi nghiên cứu thực tế, từ đó tạo niềm tin mạnh mẽ vào các chủ trương, chính sách và quyết tâm thực hiện, thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước trên các lĩnh vực là rất cần thiết.Với mục đích, ý nghĩa đó, để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường, chúng ta cần tổ chức thực hiện hoạt động này một cách khoa học, phù hợp./.

Nguyễn Quang Hòa