Một số giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên Mác-Lênin tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên hiện nay

11/11/2021

  • lượt xem: 2063

Đội ngũ giảng viên luôn được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định tới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Bởi vì“trường tốt cần phải có thầy giỏi”. Muốn có được những học viên giỏi thì trước tiên phải có những người thầy có chuyên môn tốt. Uy tín, danh dự, sự trọng thị của xã hội đối với Nhà trường phần lớn thông qua hình ảnh của đội ngũ giảng viên.

Xây dựng đội ngũ giảng viên Mác-Lênin có trách nhiệm chính trị cao, am hiểu sâu - rộng về chuyên môn, nghiệp vụ; có tố chất, phẩm chất của nhà sư phạm, sẽ là điều kiện quan trọng tạo ra sự đột phá về chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Để xây dựng được đội ngũ giảng viên Mác-Lênin đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho giảng viên.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ giảng viên Mác-Lênin hiện nay, song song với việc đảm bảo về số lượng giảng viên cũng cần tính đến nâng cao chất lượng toàn diện về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Mặt khác, để phát huy được năng lực, trí tuệ của đội ngũ giảng viên thì không thể không tính đến sự hợp lý, đồng bộ về cơ cấu đội ngũ trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên. Sắp xếp hợp lý cơ cấu đội ngũ giảng viên hiện có.

Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên Mác-Lênin nói riêng là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng bậc nhất của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện tốt nội dung này, cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:

 - Hàng năm, Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng  nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trong đó có đội ngũ giảng viên Mác-Lênin. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch đào tạo phải có lộ trình cụ thể, cần tính toán đến các điều kiện liên quan, phù hợp với điều kiện của Trường, đồng thời vẫn tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho giảng viên khi có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn.

+ Cử giảng viên đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ.

+ Khuyến khích, động viên giảng viên đi đào tạo tiến sĩ  ở trong nước và nước ngoài theo các chuyên ngành phù hợp.

+ Tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên được tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị đặc biệt là trình độ cao cấp lý luận chính trị. Thực hiện nghiêm công văn số 484/HVCTQG ngày 9/5/2017 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc tạo điều kiện cho giảng viên trường chính trị tỉnh học cao cấp lý luận chính trị.

+ Có cơ chế đặc thù động viên, khuyến khích giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài hay đi học theo chương trình 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- Phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chính bản thân mỗi giảng viên. Thực tiễn đã chứng minh, cho dù giảng viên có được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên với  chương trình, nội dung đào tạo tốt với đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi, phương pháp giảng dạy hiệu quả, nhưng chính bản thân mỗi giảng viên không có ý thức phấn đấu tự vươn lên, không tự giác học tập, nghiên cứu thì tất cả những điều kiện trên sẽ trở nên vô nghĩa. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cũng phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình để xứng đáng là người thầy mẫu mực. Bởi hơn ai hết, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải là những người kiên định niềm tin, lý tưởng, nắm chắc nền tảng tư tưởng, có trách nhiệm cao về giữ gìn phẩm chất nhà giáo. Muốn có những thế hệ học viên là cán bộ thật tốt, người giảng viên trước hết phải là tấm gương sáng về đạo đức, tâm huyết, yêu nghề và tạo niềm tin cho học viên.

Hai là, thực hiện tốt việc kết hợp phương pháp giảng dạy tích cực với phương tiện giảng dạy hiện đại     

Đổi mới phương pháp giảng dạy từ phương pháp truyền thống với đặc trưng thuyết trình là chủ yếu sang phương pháp dạy -học tích cực là một trong những điều kiện quyết định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên Mác-Lênin nói riêng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bởi vì theo phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên đóng vai trò trung tâm, chủ động truyền đạt tri thức một cách áp đặt cho người học, dẫn đến những biểu hiện như: mệt mỏi, khó tiếp thu tri thức, khó tập trung và tạo ra một sức ỳ lớn trong học viên, làm cho hiệu quả của quá trình dạy học chưa cao. Tùy vào đặc điểm của mỗi lớp, từng đối tượng học viên mà mỗi giảng viên Mác-Lênin cần sử dụng phương pháp dạy học cho phù hợp.  Phương pháp giảng dạy tích cực phải hướng đến mục đích: “dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng, dạy - học xử trí; dạy - học để học viên làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, xử lý tốt các tình huống diễn ra trong công việc chuyên môn công tác”. Đồng thời phương pháp giảng dạy đó phải tăng tính chủ động, tích cực; sáng tạo và giảm thụ động; giảm lý thuyết; giảm độc thoại.

Ba là, về cơ chế chính sách đối với giảng viên Mác-Lênin

Nhà trường cần quan tâm, chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với đội ngũ giảng viên, giảng viên Mác-Lênin nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

 Thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ thanh toán vượt giờ, chế độ nâng lương định kỳ và trước thời hạn. Đảm bảo đúng, đủ, theo quy định của Nhà nước để giảng viên nói chung, giảng viên Mác-Lênin của Trường có thể sống được, sống tốt bằng nghề và an tâm công tác, cống hiến lâu dài cho Nhà trường./.

Lê Cao Độ