Bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” nói riêng và phần học “Tình hình nhiệm vụ của địa phương” nói chung là một phần học có nội dung quan trọng trong giáo dục lịch sử, truyền thống của quê hương, đất nước. Đồng thời, để học viên là cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về lịch sử đảng bộ và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.
Giảng dạy bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử toàn Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Qua đó, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho học viên, giúp học viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về lịch sử phát triển, đấu tranh qua các thời kì cách mạng của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao niềm tin của các thế hệ hôm nay và mai sau vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phục vụ đắc lực cho việc thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị hiện nay của Đảng bộ tỉnh để rút ra những bài học kinh nghiệm và phát huy truyền thống quý báu của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực tế quá trình thời gian qua, giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu, có ý nghĩa nhiều mặt, tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ hơn tính tất yếu sự ra đời, phát triển của Đảng bộ; những kinh nghiệm trong hoạt động, xây dựng tổ chức và lãnh đạo của Đảng bộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giảng dạy còn một số vấn đề bất cập, khó khăn.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, cần thay đổi nhận thực về việc giảng dạy Lịch sử Đảng bộ tỉnh trong chương trình TCLLCT-HC
Tình yêu quê hương chính là cơ sở của lòng yêu nước. Hơn nữa, tình cảm gắn bó với quê hương là một động lực quan trọng thúc đẩy các học viên, nhất là các học viên ở cơ sở nắm bắt đầy đủ những điều kiện tự nhiên và xã hội; những phong tục tập quán, giá trị truyền thống của địa phương mình để có thể đề ra được những chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hợp lý.
Giảng dạy tốt nội dung Lịch sử Đảng bộ tỉnh chính là một việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp cho các học viên kết hợp cả lý luận và thực tiễn vận dụng vào giải quyết các vấn đề ở cơ sở...
Hai là, giảng viên lựa chọn những nội dung cốt lõi của chuyên đề để giảng dạy
Bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên”, có lượng kiến thức rất nhiều, thời gian dài, không chỉ làm rõ quá trình từ Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời (1929) đến quá trình Đảng bộ tỉnh lãnh đạo sự nghiệp CNH,HĐH hiện nay. Mặt khác, bài học còn phải làm rõ vị trí địa lý, tự nhiên và truyền thống văn hóa của tỉnh. Trong lượng thời gian 8 tiết cả lý thuyết và thảo luận giảng viên không thể giảng hết tất cả các nội dung trong bài học. Chính vì vậy, giảng viên cần lựa chọn những nội dung cốt lõi, trọng tâm của chuyên đề để làm sâu, làm rõ vấn đề giúp học viên tiếp thu bài một cách dễ dàng, hiệu quả, làm nổi bật được sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự vận dụng linh hoạt đường lối chủ trương…của Đảng Cộng Sản trong hoàn cảnh thực tế tại địa phương.
Ba là, giảng viên cần tăng cường đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, tham quan các di tích lịch sử của tỉnh
Mỗi một sự kiện lịch sử đều diễn ra tại địa phương và địa điểm nhất định. Giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế, tham quan các di tích lịch sử của tỉnh ở các địa phương, giúp giảng viên có thêm nhiều kiến thức thực tiễn về các sự kiện lịch sử của tỉnh từ đó vận dụng vào bài giảng, để nội dung bài giảng thêm sinh động nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.
Việc tổ chức các buổi học ngoại khóa, đưa học viên đi tham quan các địa danh, di tích lịch sử văn hóa ở địa phương cũng góp phần rất lớn vào việc giúp học viên khắc sâu kiến thức bài giảng, gắn bó với quê hương đất nước.
Bốn là, đổi mới và sử dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy
Lịch sử Đảng nói chung và Lịch sử Đảng bộ tỉnh nói riêng là môn học dựng lại quá khứ thông qua các sự kiện, con số để phân tích và rút ra bài học sinh động cho thực tiễn ngày nay. Bản thân Lịch sử Đảng nên đổi mới phương pháp giảng dạy để biến người học từ người bị động tiếp nhận kiến thức thành người chủ động đi tìm kiến thức, chắp nối sự kiện, khái quát vấn đề và nhận thức đúng về bài học lịch sử. Giảng viên cũng có thể đưa ra các chủ đề, vấn đề lịch sử để người học tự tìm tài liệu, phân tích và đánh giá. Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ kết luận vấn đề.
Với bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” là một bài rất dài và rất phong phú sự kiện. Do đó, giảng viên cần đổi mới và sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bài học. Giảng viên cũng nên sưu tầm nhiều hình ảnh, bộ phim, các tình huống mô phỏng để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Năm là, kết hợp giảng dạy Lịch sử Đảng bộ tỉnh với Lịch sử Đảng và các môn khoa học khác
Lịch sử Đảng bộ tỉnh là bộ phận hợp thành Lịch Sử Đảng, làm phong phú, sáng tỏ thêm cho lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Việc giảng dạy lịch sử địa phương không chỉ giúp cho học viên hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc mà quan trọng là góp phần trực tiếp hình thành, bồi dưỡng thêm cho học viên tình yêu quê hương, cội nguồn của lòng yêu nước.
Việc kết hợp Lịch sử đảng bộ tỉnh và Lịch sử Đảng trong giảng dạy, giúp vấn đề lịch sử được mổ xẻ, tìm thấy dòng chảy lịch sử của địa phương cùng với dòng chảy lịch sử của Đảng và dân tộc, học viên có đủ trình độ và kiến thức khoa học để đánh giá. Ví dụ: Khi giảng về Cao trào kháng Nhật cứu nước tại Hưng Yên thì ngay trong đêm 12/3/1945 giàng thắng lợi trong trận đánh đồn Bần, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao. Coi trận đánh đồn Bần là "Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng". Đây chính là sự nhanh nhạy của Hưng Yên thực hiện ngay Chỉ thị của TWĐ “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”....Vì thế, nguồn tư liệu phong phú của lịch sử địa phương sẽ không thuần túy dừng ở việc cung cấp và minh họa cho Lịch sử Đảng mà còn thực hiện chức năng tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, giải thích quy luật và đúc rút bài học kinh nghiệm lịch sử, làm tăng thêm tính lôgic. Nhất là khi phân tích sự vận dụng sáng tạo các đường lối, chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương; sự kết hợp giữa các cách tiếp cận làm tăng thêm tính thuyết phục, càng làm cho người học thấm thía, hiểu rõ quy luật phát triển của lịch sử và đúc rút được những bài học lịch sử hữu hiệu cho mình.
Như vậy, người học càng hiểu biết sâu rộng về Lịch sử Đảng bộ tỉnh càng có căn cứ khoa học để hiểu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhận thức được sự đóng góp của địa phương đối với đất nước và những sự kiện của lịch sử Đảng cũng trở nên gần gũi với thực tiễn địa phương.
Ngoài ra, giảng viên có thể kết hợp giảng dạy Lịch sử Đảng bộ tỉnh với các môn khoa học khác như văn học...Ví dụ: Khi giảng về Hưng Yên trong giai đoạn xây dựng CNXH, nhất là đi xây dựng vùng kinh tế mới thì giảng viên liên hệ với Tác phẩm "Mùa lạc" của nhà văn Nguyễn Khải (tác phẩm viết về nhân vật Đào quê Hưng Yên, lên sống và xây dựng kinh tế mới ở nông trường Điện Biên;)
Sáu là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng truyền thống
Các ngành, các cấp phải xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ, truyền thống của địa phương trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng, trên báo chí, phát thanh truyền hình, bằng nói chuyện tọa đàm giữa các nhân chứng lịch sử với các thế hệ trẻ...
Nhà trường cần sự phối hợp và hợp tác giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và lãnh đạo các cấp, nhất là phòng chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch để công tác nghiên cứu và giảng dạy, truyên truyền lịch sử Đảng bộ ngày càng chất lượng và hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường.
Tóm lại, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” là một trong bài học nằm trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Giảng dạy về lịch sử Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa sâu sắc đối với người học, giúp học viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử; góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy bài “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên” trong Chương trình TCLLCT-HC là một yêu cầu đặt ra hiện nay./.
Lê Thị Trang