Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đảng cộng sản trong giai đoạn hiện nay.

22/10/2021

  • lượt xem: 757

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng tới sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện phát triển hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào cộng đồng thế giới.

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng tới sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện phát triển hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào cộng đồng thế giới. Mục tiêu quan trọng nhất của công tác này là nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là của cán bộ chủ chốt các cấp. Mỗi đảng viên phải kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tu tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tránh giáo điều, máy móc và duy ý chí.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình” (1). Người cho rằng: “ lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội và lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin,… là khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội” (2).

Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác này ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã khẳng định: “đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị” (3). Không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị là đòi hỏi bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Xuất phát từ thực tế đó cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả góp phần đổi mới đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị như sau:

Thứ nhất,đào tạo bồ dưỡng phải thiết thực với yêu cầu hoạt động thực tiễn xã hội. Điều này có ý nghĩa rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận phải gắn với sự vận động thực tiễn khách quan, khả năng nâng cao năng lực, trí tuệ của đảng viên, cán bbộ lãnh đạo trong việc xử lý các vấn đề thực tiễn một cách khoa học, hạn chế tối đa tình trạng kinh nghiệm, cảm tính.

Bên cạnh tính thiết thực, chương trình đào tạo bồi dưỡng cần có sự đổi mới, phù hợp, linh hoạt đảm bảo cung cấp cho người học tri thức khoa học, kỹ năng xử lý tình huống chính trị thực tiễn. Nội dung chương trình sát với việc nhận thức và giải quyết vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong xã hội, không nên quá kinh viện.

Thứ hai,đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Hồ Chí Minh đã dạy: “ lý luận mà không liên hệ thực tiễn là lý luận suông”, “ thực tiễn không có lý luận hướng dẫn là thực tiễn mù quáng” (4). Để đạt được những yêu cầu cơ bản này, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới trong từng khâu. Nội dung đào tạo bồi dưỡng phải xuất phát từ thực thực và có khả năng giải quyết chính xác thuyết phục thực tiễn ấy. Công tác tổ chức đào tạo cần phải tổ chức nghiêm túc, trên cơ sở đánh giá thực chất chất lượng giảng dạy của giảng viên và hoạt động học tập của người học.

Tăng cường tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương điển hình, phù hợp với nội dung đang học tập trên lớp. Thông qua các hoạt động ngoại khóa chuyên đề, học viên khái quát được những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Kết quả nghiên cứu ngoại khóa phải là căn cứ đánh giá năng lực của học viên.

Thứ ba,đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng phát huy tối đa tính tự giác và sự sáng tạo của người học. Đối tượng học lý luận chính trị, đặc biệt lý luận chính trị hành chính là những người có kinh nghiệm thực tiễn công tác nên việc lựa chọn phương pháp thích hợp là điều hết sức quan trọng. Làm sao tạo môi trường thuận lợi cho những đối tượng này tự tìm tòi, chủ động tích lũy tri thức và kỹ năng mới cần thiết cho công tác tiếp theo.

Thứ tư,hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng đáp ứng tối đa những phương tiện giảng dạy hỗ trợ cho các phương pháp giảng dạy tích cực phát huy tác dụng. Cụ thể như hệ thống giảng đường, hệ thống thư viện, tài liệu tra cứu, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giảng viên và học viên, chế độ cho người dạy và người học…

Thứ năm,cần kết hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu để tổng kết thực tiễn phục vụ cho việc khái quát lý luận và kết quả nghiên cứu cập nhật nội dung đào tạo, bồi dưỡng: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển” (5).

Trong thời đại mới, điều kiện lịch sử thay đổi cần cách thức tiếp cận và vận dụng mới trong việc đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ Đảng viên, phụng sự đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng cầm quyền.

1- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, nxb CTQG, tr492.

2- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, nxb CTQG, tr497.

3- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

4- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, nxb CTQG, tr256-257.

5- Kết luận số 57- KL/TW của Ban bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tr3-4