1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh công khai tính đảng của văn học cách mạng Việt Nam
là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa
Người
coi văn học là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén
trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc
sống mới cho nhân dân. Theo Người, cũng như các lĩnh vực khác, văn học
chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “chống thực dân đế quốc, chống
phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của văn học cách mạng Việt Nam:
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên
mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ
nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân
dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ
thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt
lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước
hết”[2].
Do đó, văn học của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối
chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện văn học mới đúng
được. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng, văn học phải đi tiên phong
trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật
của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù
của dân tộc: “Muốn chỉnh đốn tổ chức, trước phải chỉnh đốn tư tưởng,
phải đấu tranh chống những tư tưởng trái với giai cấp vô sản. Nhiều
người tiểu tư sản thường dùng mọi phương pháp, cả phương pháp văn học và
nghệ thuật, để trưng mình họ lên, để tuyên truyền chủ trương của họ, và
yêu cầu người ta theo chủ trương tiểu tư sản trí thức đó mà cải tạo
Đảng, cải tạo thế giới. Trước tình hình ấy, chúng ta phải quát to lên
rằng: Các bạn ơi! Cách đó không xong! Giai cấp vô sản và đại chúng nhân
dân không thể chiều các bạn được. Dựa theo các bạn, tức là dựa theo đại
địa chủ, đại tư bản, và sẽ mắc vào nguy hiểm mất nước, mất Đảng, mất cả
đầu. Chỉ có thể theo cách vô sản và đội tiên phong của nó mà cải tạo
Đảng, cải tạo thế giới. Các đồng chí trong giới trí thức văn nghệ phải
hiểu thấu tính nghiêm trọng trong sự tranh luận ấy, và ra sức đấu tranh
với kẻ địch, với bầu bạn, với đồng chí, với tự mình. Sao cho mỗi một
đồng chí đều trở nên vững chắc, sao cho Đảng ta về mặt tư tưởng và về
mặt tổ chức đều thống nhất, đều vững vàng”[3].
Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà
còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để
cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng.
Một
mặt, Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền,
khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ
biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và
văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”[4].
Mặt khác, Người cho rằng, nhà văn là một chiến sĩ cách mạng, “cây bút,
trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi văn
nghệ sĩ phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng,
học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng
cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình
trong sự nghiệp cách mạng.
Việc xác
định đúng đối tượng phục vụ của văn học cũng có nghĩa là nhà văn phải
biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết
“phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục
vụ cách mạng.“Công, nông, binh và cán bộ là những người thưởng thức văn
nghệ. Do đó đặt ra vấn đề: phải hiểu biết họ, quen thuộc họ. Muốn như
vậy, phải công tác nhiều, vì có thế mới hiểu biết và quen thuộc các
việc, hiểu biết và quen thuộc các hạng người trong cơ quan Đảng, cơ quan
Chính phủ, ở nông thôn, ở nhà máy, ở bộ đội. Các đồng chí văn nghệ phải
làm công tác văn nghệ, nhưng việc hiểu biết và quen thuộc người là công
tác thứ nhất”[5].
Người còn khẳng định: “Muốn những tác phẩm của mình được quần chúng
hoan nghênh, những người trí thức, văn nghệ cần phải biến hoá cảm tình
và tư tưởng của mình, cần phải cải tạo. Nếu không biến hoá, không cải
tạo, thì việc gì làm cũng không tốt, cũng không thuận...”[6]
Văn
học là nhân học, vì cách mạng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là
điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động văn học; đó cũng
là tính đảng của văn học, là biểu hiện sự trung thành của văn học đối
với Đảng, là cống hiến của văn học vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Chính
vì vậy, Người kết luận: “Mọi đảng viên cách mạng, mọi người cách mạng,
mọi nhà văn nghệ cách mạng cần phải noi gương ông Lỗ Tấn: Làm “con trâu”
của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân, suốt đời tận tụy, đến chết
mới thôi”[7].
2. Ý nghĩa đối với đấu tranh với các biểu hiện phai mờ tính đảng trong văn học cách mạng Việt Nam hiện nay
Để
chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch coi “diễn biến hòa
bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, trong đó có lĩnh vực văn học là
mũi đột phá, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận, tư
tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập
vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiến tới chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư
tưởng xã hội chủ nghĩa. Và điều đó sẽ dẫn đến hậu quả: chính trị khủng
hoảng, kinh tế trì trệ, pháp luật kém hiệu lực, nền tảng xã hội lung
lay, tạo mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch “tự tung tự tác” bằng
những mưu mô, thủ đoạn để chuyển hóa, thay đổi chế độ. Tình trạng đó sẽ
dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên
và trong xã hội, gây nên những tổn thất khó lường đối với sự nghiệp cách
mạng của dân tộc và vận mệnh của Đảng, chế độ. Kịch bản này đã từng xảy
ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ XX.
Với
mưu đồ chuyển hóa hệ thống thang giá trị trong đời sống văn hóa, tinh
thần của người Việt Nam, chúng phủ nhận Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI)
khi cho rằng, đánh giá thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5
(khóa X) là hoàn toàn “thiếu cơ sở” vì thực tế cho thấy ở Việt Nam, đạo
đức xã hội đang bị “băng hoại nghiêm trọng”, các quyền tự do báo chí,
ngôn luận, biểu tình của người dân đã bị Đảng “khất nợ”, v.v. Tranh thủ
những yếu tố khách quan xuất hiện trong bối cảnh nước ta đổi mới, mở
cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đẩy mạnh
truyền bá các “giá trị” văn hóa, lối sống phương Tây, hệ tư tưởng tư
sản; xóa bỏ truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp
của dân tộc, làm phai nhạt bản sắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thông
qua con đường hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, quốc phòng -
an ninh, báo chí, truyền thông, hội thảo, triển lãm, tài trợ,… để từng
bước hình thành các tổ hợp, tập đoàn, câu lạc bộ, nhóm nhà báo, báo tư
nhân, trang thông tin điện tử, cơ quan ngôn luận của “lực lượng dân chủ”
ở Việt Nam. Lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng
xuyên tạc thực trạng xã hội, khoét sâu yếu kém, làm ra vẻ như ở Việt Nam
đang có khủng hoảng về kinh tế - xã hội, tình trạng tham nhũng tràn
lan, không kiểm soát được, v.v. Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, báo
chí, xuất bản, chúng ra sức vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”,“Hội
nhà báo độc lập”, “Công đoàn độc lập”; tán phát một số cuốn sách được
xuất bản ở hải ngoại nhằm “bôi nhọ” đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao
cấp của Đảng... Đáng chú ý là, chúng tăng cường liên kết giữa các tổ
chức phản động trong nước với nước ngoài để dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực
lượng, hình thành phe phái đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam; triệt để
lợi dụng các phương tiện thông tin như: internet, viễn thông, đài phát
thanh nước ngoài, phát hành ấn phẩm, tờ rơi,… để đăng tin, bài, tán phát
tài liệu chống phá ta, nhất là lúc đất nước ta có nhiều sự kiện lớn.
Có
thể khẳng định, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, mà trọng tâm là thúc
đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh văn học là một âm mưu, thủ
đoạn hết sức nguy hiểm, thâm độc. Xét về nội dung tuy không mới, nhưng
về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì chúng có sự điều chỉnh. Nguy hiểm
hơn, hoạt động tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch tập
trung vào đối tượng chủ yếu là thế hệ trẻ, các doanh nhân, trí thức, văn
nghệ sĩ, nhà báo, học sinh, sinh viên; đi sâu vào vùng nông thôn, vùng
sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - nơi mà
trình độ dân trí so với mặt bằng chung của cả nước còn thấp, đời sống
vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn.
Bởi
vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đề cao cảnh giác, nhận diện đúng và
chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động chống phá của các thế
lực thù địch, và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, bản sắc văn hóa của
dân tộc thông qua quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh
về tính đảng trong văn học cách mạng Việt Nam hiện nay theo đúng các
kinh nghiệm mà Người đã đúc rút ra, đó là:
“Sau những cuộc thảo luận sôi nổi, giới văn nghệ đã đi đến kết luận chung như sau:
-
Cho rằng sự phát triển của văn học nghệ thuật là một quá trình hoàn
toàn tự phát, không cần đến sự lãnh đạo của Đảng - đó là một tư tưởng
sai lầm, nguy hiểm, nó có thể đưa văn nghệ xa rời nhân dân, thậm chí
phản bội nhân dân.
- Văn nghệ phải
nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và nhân dân, phải một lòng
một dạ phục vụ nhân dân. Phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để vũ trang
mình. Phải kiên quyết chống những khuynh hướng phản dân chủ, phản chủ
nghĩa xã hội trong giới văn nghệ.
-
Phải hiểu rõ thời đại mới và đời sống cùng nguyện vọng của nhân dân.
Tất cả các ngành văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, múa nhảy, tuồng
hát, vẽ... phải quần chúng hóa và dân chủ hóa.
-
Văn nghệ phải xây dựng tác phong gian khổ, chất phác. Phải chống xa rời
quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động. Sáng tác
cũng phải “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Tóm
lại: giai cấp lao động cần phải làm chủ văn hóa, nếu không thì giai cấp
tư sản sẽ giành quyền làm chủ. Nội dung của văn nghệ phải phong phú,
hình thức phải tươi đẹp để phục vụ chính trị, phục vụ công cuộc xây dựng
chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình thế giới”[8].
Những
luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính đảng trong văn học cách mạng
Việt Nam đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo nền
văn học của Đảng ta trong thời kỳ mới./.
-------------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,tập 12, tr.171
[2] Sđd, tập 7, tr.246
[3] Sđd, tập 6, tr.300
[4] Sđd, tập 7, tr. 405
[5] Sđd, tập 6, tr.300
[6] Sđd, tập 6, tr.302
[7] Sđd, tập 6, tr.303
[8] Sđd, tập 11, tr.474.