Năm
1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, ngày 10/5/1965 Chủ tịch Hồ Chí
Minh viết bản Di chúc với tiêu đề "Tuyệt đối bí mật" do tự Bác đánh máy,
có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư
thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm
một số đoạn. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc.
Tiếp đó trong các ngày 11 đến 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản
Di chúc của các năm 1965, 1968 và 1969. Đúng 10h ngày 19/5/1969, nhân kỷ
niệm lần thứ 79 ngày sinh, Bác đọc lại lần cuối các bản Di chúc viết
trên đó. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố
trong Lễ tang của Người tháng 9/1969. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra
Thông báo số 151-TB/TW "Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh"
khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 trung thành với bản gốc
của Người. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di
chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của
Bác về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước thắng lợi; muốn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác
xã nông nghiệp… Đến dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công
bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người. Như vậy, bản Di chúc đã được
Bác chuẩn bị hết sức chu đáo, cân nhắc từng ý, từng lời, thể hiện tầm
cao tư tưởng, có giá trị lý luận và thực tiễn về con đường cách mạng
Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai. Bản Di chúc của Người ra đời
cách đây 50 năm nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi
đường cho cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất,
Bản Di chúc của Bác là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin trách
nhiệm của Bác đối với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc
thể hiện là tâm nguyện của Người: Suốt đời tôi hết lòng
phục vụ Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ
biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc
rằng không được phụng sự lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".
Ý
chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân
của Người thể hiện sâu sắc khi dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước và ngày thống nhất đất nước ở những chỉ dẫn về công
việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Bản Di chúc của Bác là tâm sự
của một người đã một đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc
đời cho Tổ quốc và nhân dân, là tấm lòng chung thuỷ với các nước anh em
và với bầu bạn khắp năm châu bốn biển.
Thứ hai, Bản Di chúc của Bác là công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền. Trong Di chúc Bác khẳng định: "Đảng ta là Đảng cầm quyền".
Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội,
Đảng ta phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và
gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất của giai cấp
công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam
cho mọi hoạt động của Đảng. Bản Di chúc của Bác nêu những vấn đề cốt yếu
của công tác xây dựng Đảng: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện
nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn
luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ
nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ
chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và
cầm quyền của Đảng ta trong các giai đoạn của cách mạng.
Bản
Di chúc cũng thể hiện sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài
lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm
lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế
hệ trẻ vừa "hồng" vừa "chuyên" có như vậy mới thực hiện thành công lý
tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác viết trong bản Di
chúc: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu
nước, rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự
nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trong
Bản Di chúc Bác cũng khẳng định rằng, cách mạng Việt Nam không thể tách
rời với cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng trong mối quan hệ
đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bạn bè quốc tế. Bác viết
trong bản Di chúc "về phong trào cộng sản thế giới" đã chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên "Nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình".
Thứ ba,
bản Di chúc của Bác là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Bản Di chúc thể
hiện kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh Việt Nam các mối quan hệ
giữa công bằng và tiến bộ xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển
văn hoá trong xây dựng xã hội mới, giữa sức mạnh đại đoàn kết và sức
mạnh thời đại. Đồng thời cũng thể hiện động lực lợi ích và chăm lo chu
đáo cho cuộc sống con người; tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ
thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản Di chúc của Bác như
một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự
nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn sâu sát của
Bác về quản lý xã hội, như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh
mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ
sinh, y tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã
hội và công bằng xã hội… Bản Di chúc của Bác thể hiện giá trị văn hoá
chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù
tính, dự liệu về những cuộc vận động giáo dục văn hoá trong các tầng lớp
nhân dân và toàn xã hội; lấy văn hoá chính trị của Đảng cầm quyền và
văn hoá trong thể chế Nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của
dân, do dân, vì dân làm động lực nêu gương thuyết phục, động viên nhân
dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Bác đề cập đến việc xây dựng đời sống
văn hoá mới, một lối sống tiết kiệm, giản dị, không lãng phí của nhân
dân, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và với môi trường sinh
thái. Đồng thời, Bản di chúc của Người cũng là phác thảo những vấn đề
quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Người quan niệm, đổi mới là
một tất yếu để phát triển, đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá
trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và
phức tạp là "cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo
ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Chính vì vậy, Người yêu cầu, Đảng
phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không
ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Bác xây dựng chủ nghĩa xã hội
trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả
năng sáng tạo của dân, "động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân".
Nhân
kỷ niệm 50 năm Bác đã đi xa và cũng là 50 năm thực hiện Bản Di chúc
thiêng liêng, bất hủ của Người, cũng là dịp toàn Đảng, toàn dân ôn lại,
khắc sâu sự căn dặn của Bác để tăng thêm ý chí, quyết tâm và nghị lực
đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong Cương lĩnh xây dựng đất
nước, Đảng ta đã thể hiện trọn vẹn mục tiêu xây dựng đất nước thành mục
tiêu của toàn Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bản Di chúc của Người đã thể hiện
tầm cao tư tưởng của thời đại để tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đi tới
tương lai tươi sáng./.
Nguồn; dangcongsan.vn