An Giang, đôi dòng kí thác

22/10/2021

  • lượt xem: 594

Cảm giác chơi vơi ngắm gió mây, đồng xanh, nhà cửa, xóm làng yên bình và vô số cánh chim chao liệng tự do giữa thinh không, rồi sự hoang vu, tịch tĩnh của tự nhiên..., trong khoảnh khắc ấy, tôi như thể được quay trở về nguồn cội mình. Chốn núi non cuốn hút tôi đầy mãnh lực. Yên Tử, Fhansipan, Bạch Mã, Bà Nà, Bà Đen… tôi đã đi qua. Mỗi ngọn núi mang một thứ tinh thần riêng biệt qua hình dáng, địa thế, hệ sinh thái... Tôi đắm đăm thả dòng suy tư của mình miết trôi khi dừng chân nơi đây, ngọn Cấm Sơn trấn giữ vùng biên thùy Tây Nam Tổ quốc. Những vết xước sương mù, nỗi thâm trầm rừng già và sự vọng cầu chân lí gieo trong tôi chút tính không nằm ngoài tri nhận thuần túy.

Núi Cấm cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên, Nhà Bàng, Tri Tôn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. TrongGia Định thành thông chíTrịnh Hoài Đức gọi núi Cấm là núi Đoài Tốn, “cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư, hình như cái đài cao, nghiễm nhiên ởcung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đoài Tốn”. Cách gọi tên như thế ý theo dịch học, thuận theo đất trời để áp phong thủy lên danh xưng của cuộc núi thiêng. Các nhà phong thủy cho rằng núi Cấm là nơi âm dương hội tụ, phát xuất long mạch vì thế thiêng bậc nhất trong Thất Sơn. Cuốn sách này cũng cho biết thêm về các sản vật, kì hoa dị thảo như: “Núi cao đột ngột, sinh sản các loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre”. Rừng nguyên sinh che phủ núi với hệ sinh thái phong phú, khoảng hơn tám trăm loài thực vật, điển hình như: Thạch tùng, tuế, dương xỉ, thông, ngọc lan… và nhiều động vật hoang dã quý hiếm hầu như ít bị con người xâm phạm.

Riêng về tên gọi thông dụng như bây giờ, Núi Cấm, có rất nhiều giả thuyết. Để hiểu một địa danh, cái tên cũng là một gợi ý mang tính lịch sử và những ẩn dụ văn hóa, tâm linh vô cùng cuốn hút. Tôi chỉ tổng hợp một số kiến giải dưới đây, về ngọn núi đã hằn sâu trong tâm thức người dân An Giang và cả miền Tây Nam Bộ.

Núi Cấm từ lâu đã là nơi ẩn tu của nhiều bậc đạo sĩ, tăng sĩ Phật giáo, tín hữu Phật giáo Hòa Hảo… vì không gian yên tĩnh, thanh tịnh không bị rối nhiễu. Ngọn núi tâm linh chứa đựng bao huyền bí và nhiệm màuđến nỗi ngay cả các loài thú dữ, rắn rết cũng “tạo điều kiện” cho sự tu hành. Người dân vùng này đồn rằng ở đây, đến hổ báo cũng chỉ ăn hoa quả,có nhớ thịtcũng tìm đi nơi khác. Những người theo tông phái Bửu Sơn Kì Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa(1)cho Núi Cấm là chốn hiển linh bậc nhất thế giới. Hội Long Hoa sẽ diễn ra ở đây nên cấm người trong bổn đạo đến sinh sống. Vào ngày ấy, tiếng nổ long trời lở đất xé đôi Núi Cấm. Cung vàng, điện ngọc lộ ra và đấng Minh Vương mở “Cuộc phán xét cuối cùng”, trừng trị những người sống ác, những người làm ô uế Núi Cấm và tạo dựng một thế giới mới an lành. Tu nhân, tích đức, hành thiện, tuân thủ quy luật của vũ trụ, nhân sinh, là một vẻ đẹp chân thiện trong những tôn giáo mang tính chất bản địa ở khu vực này. Trong lịch sử, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải vào núi lánh nạn, đã truyền lệnh cho dân chúng không được lai vãng tới nơi có quân trú đóng… Chữ Cấm còn vin vào lí do các nhà chức trách xưa ngăn cấm không cho người lên núi săn bắn, hái lượm vì lo sợlam sơn chướng khí và thú dữ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng tôi lại đặc biệt ấn tượng một cái tên khác ít dùng hơn là Thiên Cẩm Sơn, ngụ ý vẻ đẹp hoang sơ như hoa như gấm giữa đất trời, tô điểm màu xanh ngút ngàn của rừng cây, của lụa là hoa cỏ, là chốn bồng lai giữa đồng bằng mênh mông sóng lúa.

Con người trên thế gian đều trân trọng núi. Nhiều ngọn núi đã được coi là linh sơn trong tâm thức của nhân loại. Phú Sĩ, ngọn núi nổi tiếng Nhật Bản mang cái tên có ý nghĩa bất tận, không bao giờ kết thúc, như đỉnh cao chót vót vẫy gọi sự thèm khát chinh phục, núi thiêng nên theo lệ xưa, không phụ nữ nào được bước chân lên. Ngọn Thái Sơn của Trung Hoa có độ cao 1.500m, là núi của bình minh, sự tái sinh, kẻ theo đạo cầu tiên ngưỡng vọng ngọn núinày. Ở Tây Phương, núi lại là thể tính của sự chinh phục như Mont Blanc của Alps (châu Âu), núi Elbert thuộc dãy Rocky. Ở Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ, không khó để gặp những bậc ẩn tu trên dãy núi cao Himalaya…

Tôi vãn bộquanh hồ Thủy Liêm. Hồ rộng, nước trong xanh, từng đàn cá quẫy đuôi, tranh nhau thức ăn du khách thả xuống. Quanh hồ nhiều công trình chùa chiền, tháp, tượng Phật được xây dựng, phối cảnh như một đại hùng bảo điện khổng lồ giữa núi cao. Khi đi xe từ dưới Tri Tôn, tôi đã thấy tượng Phật Di Lặc, Quán Thế Âm Bồ Tát như áng mây trắng nổi bật giữa thảm xanh dựng lưng trời. Nay đứng gần, tận mắt chiêm ngưỡng mới thấy sự công phu của bao lớp người tôn tạo nên cảnh quan kì vĩ này. Trời về chiều, gió thổi lồng lộng, xuyên qua rừng cây, kéo theo những làn hoa mỏng mảnh và chút se lạnh. Thi thoảng, một cơn mưa ập xuống Cấm Sơn, tất cả mù mịt đi trong chốc lát, tựa sát na một hơi thở khôn kham.

Tọa lạc trên một sườn núi nhìn ra hồ Thủy Liêm, chùa Vạn Linh do Hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang, thuộc dòng Lâm Tế Gia, khai sơn năm 1927. Lúc đầu chỉ là một am cất bằng cây và lợp tranh, đến năm 1941,mới được xây dựng thành chùa Vạn Linh, dân gian vẫn quen gọi là chùa Lá. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn tàn phá, Hòa thượng cũng viên tịch, chốn thiền môn trở nên hoang tàn, đổ nát. Sau Giải phóng, chùa được trùng tu và đến nay, quy mô mở rộng theo lối kiến trúc cổ truyền phương Đông với ba ngọn tháp uy nghi, trầm mặc, được đặt tại ba vị trí khác nhau trước tiền đường cùng cội bồ đề đắp cao, dáng như cây bồ đề năm nàobên dòng Anoma nơi Đức Phật thành đạo. Nhắc đến chùa Vạn Linh không thể không nhắc đến Hòa thượng Thích Trí Tịnh, người được dựng tượng sáp trong khuôn viên chùa. Hòa thượng từ nhỏ đã có tâm tính từ bi, năm mười tám tuổi bắt đầu ăn chay trường, một lần chiêm bao có cụ già phán rằng người có căn tu và nhấn điềm:Chừng nào cọp chết, rắn mới về non.Năm hai mốt tuổi, Hòa thượng lên Sài Gòn lập nghiệp, ở nhà trọ. Một lần, người chủ nhà đi Tây Ninh và mua về được một con cọp con, được mấy ngày thì cọp lăn ra chết. Hòa thượng nhớ lại điềm báo, ngẫm thấymìnhtuổi Tỵ,liền thu xếp tìm đường xuất gia, để lại cho người nhà mỗi người một lá thư và tấm hình. Bấy giờ, Núi Cấm có nhiều bậc chân tu cầu đạo đã gợi ý cho Hòa thượng đến tìm thầy. Vừa đến chân núi, vì quá vui mừng nên Hòa thượng đã quăng cả giày dép và nguyện rằng đến ngôi chùa nào trước sẽ xuất gia ở đó. Và rồi nhân duyên đưa ngài đến ngôi chùa Vạn Linh, cao và xa nhất trong Cấm Sơn.Một người, một người lại một người/ Sanh tử, tử sanh đấy cuộc đời..., những lời giáo huấn của Hòa thượng Thích Trí Tịnh cho đệ tử cả xuất gia lẫn tục gia được đón nhận như làn mưa pháp trong lành, chánh đạo.


nuicam 3
Phong cảnh núi cấm - Ảnh: ST

Ở Núi Cấm, tôi còn nghe cư dân bản địa gọi nhiều đỉnh cao thấp khác nhau là vồ. Mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kì thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà… Đó là năm vồ hay năm non, trên mỗi vồ đều có các công trình tôn giáo như chùa, miếu, điện..., khách hành hương thường đến chiêm bái. Vồ Bồ Hong là đỉnh cao nhất, tới 705m. Tương truyền, khi xưa có nhiều côn trùng tên gọi bồ hong đến đây sinh sống nên người dân đặt tên như thế. Phải cúi mình, thẳng gối đi theo cách của người xứ núi, tôi mới cằn cựa lên được thất của cô Tám Mai trên vồ Bồ Hong. Cô Tám Mai quê ở Đồng Tháp, từ năm mười chín tuổi đã theo học đạo, trải qua quá trình tu học ở chùa chiền, tịnh thất, cách đây bảy năm, trong một lần lên Núi Cấm công chuyện đã bén duyên nơi đây, để rồi trải qua mấy mùa mưa nắng sương mây trong căn nhà dựng tạm bằng tôn, gỗ tạp, tre được quây lại trên vồ Bồ Hong linh thiêng. Gian khổ nhất là việc cất nhà, trải qua bảy năm tu tập và cũng chừng ấy thời gian, bỏ không ít công sức cô mới xây được thất riêng cho mình. Cô phải gánh từng bao xi măng, từng cột gỗ tràm trong đêm. Việc xây dựng thất trên đất núi không phải lúc nào cũng thuận lợi nên cứ làm dần, cơi nới mãi cũng được không gian rộng chừng 30m2. Thất cô có đủ bếp, nhà vệ sinh, chỗ ở dựng theo lối nhà sàn. Tôi ngồi trên sàn gỗ nhìn mung lung ra bên ngoài. Trời về đêm lành lạnh, câu chuyện của chúng tôi cứ kéo dài ra mãi bên ấm trà nóng. “Trên núi yên tĩnh, nơi đây là cõi tịch cư của những người như tôi, tìm thanh tịnh và tự tại giữa cuộc nhân sinh”, cô Tám Mai nói với tôi về lí do mình lên đây. Núi non dọc miền đất nước bao cuộc mưu sinh rừng thiêng nước độc nhưng để chọn núi là nơi an cư tu học, tìm về cội nguồn chân lí không phải ai cũng thấu ngộ. Hằng ngày, cô có hai thời điểm cúng Tổ và trong tâm luôn xưng niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Cô giải thích rằng, niệm danh hiệu Phật là một pháp môn khai tâm, tìm an lạc trong hiện tại. Niệm Phật mọi lúc mọi nơi, đi đứng nằm ngồi và cả ngay lúc này đương uống trà với tôi. Niệm Phật để dìm xóa vọng tưởng, vì chính vọng tưởng sinh ra phiền não, phiền não vô biên khiến chúng ta lầm lạc trong vô minh. Cô gọi tôi là đệ, như gọi một đồng đạo thân ái khiến câu chuyện thêm cởi mở, thân tình. “Phải biết thắc mắc rằng tại sao chúng ta được sinh ra ở đây, sống để làm gì và chết đi về đâu”, đó là câu hỏi bản nguyên của kiếp người. Trả lời được những câu hỏi này đồng nghĩa với sự học tập, cầu đạo, tu thân, lìa xa cõi khổ trần ai.

Trời đã tối, sương mù buông xuống dày hơn. Chếch về phía Tây, tháp Phật chùa Vạn Linh đèn thắpnhư một ngọn đuốc soi sáng cõi vô minh. Tôi hỏi cô rời xa gia đình thế này có trở ngại gì không. Cô Tám cười hiền, cảnh nhà đông con đến mười hai người, ai cũng yên bề gia thất, chỉ có cô lựa chọn cách sống này. Thỉnh thoảng người nhà cô có lên thăm; đặc biệt là người cha lúc đầu không chịu cho cô đi tu, nay cụ tám mươi tuổi và đổi tính, thích thú cảnh trí và muốn lắng nghe Phật pháp nên đã phát tâm ăn chay, niệm Phật. Hằng ngày, cô Tám nấu cơm chay cho cha ăn, cùng tu học yên bình trên vồ Bồ Hong. Như vậy là cô cũng vẹn tròn đạo hiếu. Đêm ấy, tôi và anh bạn đi cùng xin nghỉ lại trong thất, giấu mình trong chăn nghe tiếng kinh xa gần, tiếng gió hú trên đỉnh lặng im rồi chìm vào giấc ngủ. Sớm ra, mây từ đâu tới tấp sà xuống, khắp nơi trắng xóa một màu. Anh bạn bảo nhớ Hà Giang quê mình, nhớ núi, vì mỗi sớm cũng giống Cấm Sơn này. Khi mây tản, một khoảng vồ Bồ Hong lộ ra với hàng mấy chục thất tu trên cao giữa núi non và tiếng chim lảnh lót chào ngày. Không gian trở nên hun hút lạ thường và khi ngồi thưởng trà bên hiên vắng cùng cô Tám Mai và ông cụ, hồn tôi lạc trôi vào chốn mộng an lành.
*
* *
Trời hãy còn mù, chúng tôi từ biệt cô Tám Mai, riêng tôi lặng lẽ đi tìm đồng hương người Huế dưới vồ Thiên Tuế qua câu chuyện cô Tám kể đêm qua. Một ông cụ được người ở đây gọi là ông Hai Bắc, đồng đạo với cô và là Thủ từ điện thờ Gia Long. Dân gian truyền tụng rằng vồ Thiên Tuế từng được Nguyễn Ánh trú đóng để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn nên người ta gọi đây là nơi ở của Thiên Tuế. Cũng có người cho rằng sở dĩ vồ mang cái tên này là bởi ngày xưa nơi đây cây thiên tuế mọc thành rừng, có những cây hàng trămtuổi,caonhư cây dừa. Thời gian ở lại trên núi Cấm không còn nhiều, tôi nhờ anh Hai Trịnh làm nghề chạy xe ôm chở xuống cho kịp giờ. Đường đi quanh co, hai bên đường rừng nguyên sinh che bóng nắng, mát và đượm hương thơm.

Để vào vồ Thiên Tuế nơi có miếu Gia Long, xe phải chạy qua con đường mòn khúc khuỷu, có những đoạn rễ cây mọc ra chèn ngang lối đi. Bánh xe lướt lên trên, rùng rùng như đi trên ray xe lửa. Miếu Gia Long tọa lạc trên một dải đá khổng lồ, nhìn xa tựa hòn non bộ ẩn khuất giữa rừng sâu. Ngôi miếu nhỏ do những cư dân quanh vùng phụng lập cách đây hàng trăm năm. Quy mô công trình vừa cỡ hai chiếc chiếu manh. Ở giữa là bức ảnh thờ Vua Gia Long và bát hương chật kín que nhang. Lúc này đã qua chín giờ sáng, chỉ có ba người phụ nữ đứng ba góc cách xa nhau bán hương đèn, nước non phục vụ khách thập phương. Không gian tĩnh lặng, đến chiếc lá rơi cũng nghe thấy. Bước chân tôi lạo xạo trên lá khô, lạc lõng nhưmộtnốt nhạc caođộphá tan cung trầm. Cô Ba bán nước chỉ tôi chiếc “ghế vua”, phiến đá có hình chiếc ngai mà lúc lên đây Vua Gia Long thường ngự tọa. Đặc biệt, trên phiến đá khổng lồ còn có di tích “giếng vua”, là giếng nước tự nhiên, bốn mùa nước luôn đong đầy. Tích xưa kể rằng, khi ba quân tướng sĩ bị kiệt sức vì thiếu nước, Vua Gia Long đã khấn nguyện trời đất ban cho ân điển rồi dùng kiếm đâm sâu vào lòng phiến đá khổng lồngaydưới chân. Kì lạ thay, dù ngay giữa mùa khô hạn, nhưng khi mũi kiếm vừa rút ra, từ lòng đá đã phụt lên dòng nước ngọt mát lành. Giếng nước “trời ban” đã cứu tướng sĩ qua cơn khốn khó. Trải qua hàng trăm năm, đến nay giếng vẫn bốn mùa đầy ắp nước ngọt. Cô Ba bán nước nói thêm với tôi, “giếng vua” thực ra có tới hai cái. Giếng to hình chiếc lá là giếng người uống, độ sâu chừng 2,5m, giếng nhỏ hình bầu dục là cho ngựa uống. Hơn 200 năm trôi qua, những giếng này vẫn ăm ắp nước, soi bóng rừng cây. Những chiếc lá khô rơi rụng trong lòng giếng, dát màu vàng úa thời gian lên quá khứ gian truân cơn mộng đế vương.

Ông Hai Bắc vẫn chưa thấy về, tôi sốt ruột, lòng ngổn ngang trăm điều muốn hỏi. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy ôngđến điệnGia Long. Tôi lại nhờ anhHai Trịnhtìm đườngvề nhà ông ở sâu trong rừng tre. Đến nơi thấy cửa khóa, trên cửa đôi dòng chép lại thơ nữ sĩ Sương Nguyệt AnhNước mắt cô cùng trời đất biết/ Biển dâu một cuộc thấy mà thương. Tôi bồi hồi nhớ về số phận Vua Thành Thái, người ái quốc, chí lớn nhưng lỡ cơ đồ được nữ sĩ nể trọng. Một bóng mây ngang qua che một khoảng âm u, một tiếng chim kêu xao xác trong cánh rừng già khiến lòng ngơ ngác. Anh Hai Trịnh giục lên xe, tiếp tục đi tìmông Hai Bắctận Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo. Ông Hai Bắcnhìn tôi ngờ ngợ, tôi xưng tên họ, là đồng hương Huế vào An Giang công tác. Ông Hai Bắc vồn vã bắt tay. Ông tên thật là Phạm Hữu Trọng, năm nay đã 87 tuổi, ở cầu Tuần (Huế), gần lăng Minh Mạng và Gia Long. Cuộc chiến tranh đẩy đưa ông vào xứ này, phải mấy chục năm rồi không về thăm quê. Ông bỏ gia đình và hai con ở lại quê Bạc Liêu rồi lên Núi Cấm. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng khiến tôi có cảm giác như quên như sót một điều gì. Hình ảnh cô Tám Mai, ông Hai Bắc cứ thấp thoáng, trong đầu tôi suốt chặng đường dài.
*
* *
Giã từ ngọn Cấm Sơn linh thiêng, tâm hồn tôi như vừa được thanh tẩy, trở nên khoái hoạt nhẹ nhàng.Nhưng lúc về đến đồng bằng thì lòng tôi bỗngquặn thắt một cơn đau khiviếng nhà mồ Ba Chúc. Nơi đây, chỉ trong vòng 11 ngày (từ 18/4/1978 -29/4/1978), bọn diệt chủng Pôn Pốt đã xua quân xâm lược và sát hại tổng cộng 3.157 thường dân, xoá sổ hoàn toàn ba tộc họlớn ở Ba Chúc.Trong khi tham quan phòng truyền thống của Sư đoàn Bộ binh 330, chúng tôi đọc được Nghị quyết Quân khu Đông của Pôn Pốt:“Chúng ta không những tấn công một nơi mà nhiều nơi trên đất họ. Phải chặn đứng và tiêu diệt nhiều ngườiViệt Nam ngay trên đất Việt Nam”. Văn bản này là bằng chứng cho thấycuộc thảm sát kinh hoàng ở Ba Chúc là một hành động nằm trong kế hoạch.

Tôi đứng lặng trước nhà mồ chứa trên một ngàn bộ hài cốtxếp chồng chất lên nhau, xương người này lẫn xương người kia, không phân biệt được danh tính. Trên một ngàn tuổi tên trở thành vết chìm của kí ức. Trên một ngàn mảnh đời xót xa dưới bàn tay lũ sát nhân cuồng loạn. Trên một ngàn nỗi đau da diết gắn lên hồi chuông của lương tri con người. Tôi ngây người đứng trân, nhỏ giọt lệ buồn vào thiên thu khổ lụy. Thắp hương, quỳ lạy vong linh những người đã khuất, chạm đầu xuống mảnh đất máu thấm đồng xanh... Những hộp sọ to nhỏ khác nhau, có in một dãy số kí hiệu với hai hốc mắt sâu hoắm, u uẩn suốt bốn mươi năm qua. Ai oán thay một trang bi thương, khổ đau của lịch sử.

Sau khi quân xâm lược bị đánh đuổiqua bên kia biên giới, cảnh tượng Ba Chúc thê lương không gì tả xiết. Khắp nơi là xác người, già trẻ lớn bé chất chồng lên nhau, những thân thể mục rã, trần truồng qua những bức ảnh chụp lại trong nhà tưởng niệm khiến tôi rùng mình, xót buốt. Cuộc thảm sát của Pôn Pốt diễn ra trên cánh đồng, trong chùa Phi Lai, trong hang động, nhà cửa, vườn tược..., đâu đâu cũng nhuốm máu dân lành. Ngày ấy, bộ đội và dân chúng phải tìmgom xác đồng bào,cuốc đất tìm xương. Xương dưới sông, xương trên đồng, xương trong bụi rậm, trong nhà đổ nát, trong chùa... Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (An Giang), người dẫn tôi tham quan, chỉ vào những hộp sọ và giảng giải, căn cứ vào vếtnứt chân chim haylún, hổng, vỡ nham nhở, mất xương, mất góc…, có thể biếtngười đó chết vì bị bắn,bị đập bằng cuốc hay bằng gậy... Gậy là thứhung khímàPôn Pốt đã dùng nhiều trong những cuộc thảm sát dân ta. Và tôi đã đượctận mắt thấy chiếc dùi bằng gỗ munđược tiện cầu kì, nằm im lìm trong tủ kính nhà trưng bàyvới dòng chữ:“Dùi: Bọn PônPốtdùng đập đầu tàn sát nhân dân Ba Chúc năm 1978”.Đây làloại dùi bằng thứ gỗ cứng vànặng như thép, có thểkết liễu một sinh mạng chỉ bằng một phát đập,đượcđưa vàotrang bị chính thức cho lính Pôn Pốt. Những chiếc gậy mun đã góp phần rất lớn vào tội ác cướp đisinh mạng của hàngtriệu ngườidân Campuchia và hàng ngàn người dân Việt Nam.

Cũng trong nhà trưng bày tôi được thấynhữngkhúc tầm vôngbằng cổ tay người lớn, dài cỡ 1m. Lính Pôn Pốt đã dùng thứ vũ khíthô sơnàyđập đầunhững em nhỏ,và tàn bạo hơn,sau khicưỡng hiếp phụnữ, chúngdùng chính những chiếc gậy nàythọc vào chỗ kín nạn nhânchoxuyên lên tận cổ...Nhìn những tấm ảnh thực chứng,quả thật tôikhông đủngôn từđể giãi tả hết cảm giác hỗn độn của mình.
*
* *
Tôi đã được học và hiểu về hai mặttương phản của nhân sinh, thiện và ác, Phật và ma, cái đẹp và sự tàn phá cái đẹp luônsong trùng tồn tại trên hành trình lịch sử loài ngườiđầy biến động. Nhưng đó là những khái niệm đầy trừu tượng. Chỉ khi đến mảnhđất biên viễnAn Giangnày, những điều mơ hồ trongtôi đã được soi sáng.Từ ngọn Cấm Sơn linh thiêngđến hố thẳm thảm sát Ba Chúc, tôi như vừađược buông thư để tâm hồntắm gội trong không gian thanhsạchcửa thiềnđã lạibịquẳng vàodòng sôngmáutanh tưởi của ác quỷ.Để rồi khi về đếnHuế mà trong tôi vẫn vẹn nguyênnhững cảnh tượngsinh động và ám ảnh. Giữathiên nhiên và con người. Giữa đạovà đời. Giữa tâm linh và thế tục…Tôi viết những trang này trong trạng tháichơi vơigiữa hai thái cực cảm xúc.Lãng mạnvà hiện thực.Hạnh phúcvàđớn đau...

L.V.T.G
--------
1. Đạo Phật giáo nội sinh do hai tu sĩ yêu nước, có tinh thần kháng Pháp là Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856), thường được gọi là Đức Phật thầy và Ngô Lợi (1830 - 1890), thường được gọi là Đức Bổn sư, sáng lập. Tôn giáo này phát triển mạnh ở An Giang, nhất là vùng Thất Sơn.

Nguồn: vannghequandoi.vn