Bánh xì chen chạy lung tung

22/10/2021

  • lượt xem: 753

Tản văn. Y PHƯƠNG

Một hôm, tôi ngồi nhậu với Bác sĩ - Giáo sư - Thầy thuốc nhân dân Bành Khìu, nhà văn Cao Duy Sơn và chú em Vương Sỹ Khoa. Họ đều là người cùng phố. Mấy anh em hào hứng thi nhau kể rất nhiều về món quà đêm ở quê hương Trùng Khánh. Đặc biệt ở phố cổ Co Xàu. Khi họ kể đến món nào cũng thấy nghi ngút khói bốc lên trước mắt. Mồm miệng luôn xuýt xoa vì cảm giác nóng bỏng trên răng dưới lưỡi. Nào bánh cuốn ăn với giò lụa. Nào cóng phù chan nước gừng mật. Nào bánh áp chao nhân đùi vịt. Nào phở lạp sườn xá xíu tổng hợp. Nào bánh bao nhân trứng chim. Nào xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc... Nói đến món nào cũng làm người nghe muốn chảy nước miếng. Dân xứ lạnh chúng tôi rất thích thứ quà nóng bỏng. Càng nóng càng thích. Nó cứ phải sôi sùng sục trên kiềng ba lá mới đã. Ăn ngay bên bếp củi nghiến đỏ rực càng thú. Vừa ăn vừa được sưởi ấm. Cái ăn đã vào tới bụng. Cái ăn còn òng ọc sôi thêm một lần nữa ở trong người, được như thế càng sướng. Ăn như vậy nó mới khác người.

Trong các món ăn họ kể, tôi ấn tượng nhất là xì chen. Vì tôi chưa từng được ăn, hay là ăn rồi, nhưng lâu quá không nhớ nữa. Tôi là đứa con của dân cày ruộng, suốt đời bám theo đít con trâu làm đất. Cả đời người ăn uống qua loa. Ngủ nghê tàm tạm. Yêu đương vụng trộm… tất tần tật đều xảy ra ở trong cái làng Hiếu Lễ cổ kính. Họ cãi nhau. Người đánh nhau. Kẻ chỉ điểm nhau. Ai nói xấu nhau… cũng quanh quẩn trong lũy tre làng. Tôi đâu có sành ăn sành uống như họ. Muốn ăn ngon mặc đẹp, phải hỏi những người ở trong phố chợ. Những người chuyên sống bằng nghề buôn bán, làm dịch vụ nên họ khôn như khỉ, quái như vượn.

Về tới nhà, tôi mới hỏi bà xã, xì chen nó là thứ gì. Bà xã mới nhướn lông mày lên bảo bánh dày rán chứ còn gì nữa. Tôi vẫn chưa tin. Bánh dày rán trên chảo gang thì tôi quá biết rồi. Bánh rán xong mềm pằn pặt. Cái thứ bánh gặp nóng là chảy ra như hồ dán. Món ăn này đâu có ngon đến mức đi xa quê tới bốn mươi năm, năm mươi năm rồi, người ta vẫn nhớ như in. Tôi còn ngửi thấy mùi trong từng câu chuyện họ kể. Tất cả đều toát lên một tình yêu vô bờ bến với xì chen. Họ vừa kể vừa liếm mép chép chèm chẹp. Thèm!

Tại sao lúc ấy mình không hỏi ngay mọi người cho ra nhẽ nhỉ. Đúng là đồ dấu dốt. Sĩ diện hão. Hay là mình chậm nghĩ. Phải rồi. Tôi vốn là người phản ứng chậm như bò. Nói thế thì chính xác hơn. Vậy thì xì chen. Xì chen. Xì chen nó là món gì… Trời ơi là trời! Trong tiếng Tày Nùng xì nghĩa là bánh. Pẻng xì. Mình vẫn nói với nhau hàng ngày, hai tiếng xì chen luồn qua cửa miệng quen thuộc. Chen nghĩa là rán, hay chiên cũng thế. Bánh chiên làm chín bằng dầu đun sôi lăn tăn. Này nhé. Ở đấy có rất nhiều thứ chiên lắm. Bánh chiên nhân thịt vịt gọi là bánh áp chao. Bánh không nhân mà chỉ lăn qua mật gọi lau lau. Bánh hút mật vào trong gan ruột gọi là pẻng phạ… Nhưng tôi chưa nghe ai gọi xì chen là bánh bao giờ.

Ồ! Hóa ra nó là bánh rán. Người Hà Nội gọi bánh lúc lắc. Người Nùng Cháo ở phố Co Xàu gọi là xì chen. Người Tày gọi pẻng chao. Thứ bánh có một cục nhân bằng đỗ xanh nghiền mịn với đường mật. Nhân nặn to bằng ngón chân cái. Khi lắc nó chạy lung tung, chạy lòng vòng đuổi nhau trong lòng bánh. Nên mới gọi bánh lúc lắc. Nhưng làm thế nào để bánh rỗng ruột, thả vào đấy một viên bi ngọt ngào không dính vào thành. Đó là điều bí mật gia truyền. Người ta chỉ dạy cô con dâu, chứ không bao giờ cho con gái biết. Con gái là con của người ta. Bày cho nó, tức là mình dạy cách làm giàu để người khác hưởng. Chả dại. Khiếp thế! Nhớ lại, người xưa đã từng nói: “nữ nhi ngoại tộc”. Con gái là con của người ta. Bởi thế “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Một thằng cu cũng là có. Mười con hĩm, cũng bằng không. Đấy là một quan niệm giáo điều của đạo Nho cổ hủ. Nó cũ kĩ và lạc hậu hôi hám như bọn đế quốc phong kiến một thời. Ngày nay, không còn tăm hơi nếp nghĩ đó nữa. Nó đã bị nền văn minh hiên đại chôn vùi.

Này nhé. Khi ta cầm lên, thấy bánh nhân kêu kục rục. Nghĩa là bánh đang cười. Tiếng bánh cười khục khục như người ngậm quả mác kham. Đó là tiếng cười giấu giếm sự giàu có. Điều thường thấy ở mấy người thuộc tầng lớp trên, cũng y như thế. Cười khùng khục. Họ quen hưởng sung sướng một mình. Sự ích kỉ phải biết tự kìm hãm lại, sợ người đời biết mình giàu có. Người đời xì xào bàn tán. Mà kẻ ghen ăn nhiều như lá rừng, thời nào cũng có. Các cụ thường dạy “ngậm miệng ăn tiền” là vậy đấy.

À thì ra cái lí là thế này. Trước hết để đôi tai thưởng thức cái sướng đầu tiên. Bởi đôi tai chịu nhiều thua thiệt trong hưởng thụ nghệ thuật ẩm thực. Trước khi ăn, mắt được thưởng thức trên mâm cơm nào rau xanh, nào ớt đỏ, nào củ cải trắng, nào cá rán vàng… Mũi thì được ngửi mùi thơm của lá mác mật nhồi vịt quay, mùi canh măng chua thum thủm, mùi thịt ba chỉ nướng vừa lửa thơm nức. Tay được cầm cái đùi gà bóng nhẫy trước khi đưa lên miệng khợp. Chỉ có đôi tai là không. Tai không hề biết món này mặn hay ngọt, món kia cay hay đắng. Vì thương đôi tai, nên tổ tiên người Nùng Cháo đã chế ra loại bánh này. Bánh xì chen tặng riêng cho đôi lỗ nhĩ cũng được đánh chén như bọn mồm miệng.

Đôi khi lắc bánh xì chen, ta nghe tiếng kục rục như gà mái mổ thóc. Khi thì như gà trống gọi gà mái tỏ tình. Lắc lâu lắc đều như tiếng nài thêm mồi rượu. Nên có nhiều người mua bánh xong, cứ để áp tai nghe một hồi cho thật sướng cái đã. Xem xem tiếng xì chen chòng ghẹo nhau, chứ chưa vội ăn ngay. Người ta còn bình phẩm bánh nhà Mục ngon hơn bánh nhà Phóong. Nhưng nhà Phóong giòn vỏ hơn… đại khái thế.

Hóa ra, từ thời xa xưa, các cụ người Tày Nùng đã từng ăn ở rất công bằng sòng phẳng với từng bộ phận trên cơ thể người. Không để cơ quan nào bị bỏ sót. Đó là một kiểu ứng xử vô cùng nhân đạo. Bánh xì chen, thực chất là món ẩm thực dành riêng cho đôi tai. Nhất là đêm ba mươi tết, xì chen gáy cò tóoc cò tóoc bên đôi tai. Bánh như người cùng đợi tiếng gà.

Y.P

Nguồn: vannghequandoi.com.vn