Ghi chép. TRƯƠNG CHÍ HÙNG/
Miệt Bảy Núi, An Giang nổi danh về thắng cảnh núi non trùng điệp nằm xen lẫn với đồng ruộng bao la như một điểm nhấn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đá núi tạo cho nơi này một địa hình bán sơn địa vô cùng độc đáo. Trải qua bao thăng trầm thế cuộc, đá Bảy Núi bao lần thấm máu đào của các chiến sĩ vô danh. Đá Bảy Núi cũng ướt đẫm mồ hôi những số phận đang ngụp lặn mưu sinh giữa dòng đời chìm nổi.
Phận đá phận người
Tôi gặp anh Tú năm lần hay bảy lần gì đó không rõ. Nhà anh ngay bãi đá
số 11, thuộc ấp Tô Bình, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn. Đây là nơi được Công
ti khai thác đá An Giang tổ chức cho nổ mìn tách đá từ núi, sau đó gia
công thành các sản phẩm rồi bán cho thương lái. Những tiếng nổ mìn đì
đùng chát chúa như xé toạc không gian suốt ngày đêm, những đôi vai bóng
nhẫy mồ hôi dưới trời nắng gắt, những chiếc ghe đá khẳm lừ lừ xuôi ngược
dòng kênh Ba Thê, đó là tất cả những ấn tượng với khách lạ khi lần đầu
đến nơi này. Tôi ngồi uống rượu với anh Tú vào một chiều mưa. Anh làm
nghề gánh đá mướn ở đây đã hơn ba chục năm rồi. Hiện giờ, trung bình thu
nhập mỗi ngày của anh khoảng một trăm ngàn đồng. Những khi không ai
mướn, anh đi phụ hồ thêm để có tiền lo cho đứa cháu gái mới bốn tuổi.
Tôi hỏi, con anh đâu sao anh phải lo cho cháu? Anh Tú trầm ngâm, tôi có
vợ, không có con nhưng lại làm... ông ngoại. Rồi anh cười hiền, kể, vợ
tôi trước đây đẹp nhất xóm này, bị một chủ ghe đá gạt, đến khi có mang
thì tên đó trốn mất. Thấy cô đau khổ định tự tử nên tôi cưới cô. Đến
nay, ngoài đứa trẻ trong bụng cô lúc ấy, chúng tôi chưa có thêm đứa con
nào. Lúc con gái cô mười bảy tuổi đã lấy một anh phu đá trong xóm, sanh
được đứa cháu này thì khổ quá, đành phải gởi lại cho vợ chồng tôi để đi
Bình Dương làm ăn...
Giọng anh trầm đục như tiếng mưa vùng Bảy Núi, thổn thức thâm u. Tôi
ngồi nhìn ra phía xa, những đống đá dưới mé sông được phủ một lớp bạc
trắng như những ngôi mộ lù lù. Mưa đổ lạch bạch trên mái lá. Anh Tú kể
xong, hầu như không nói gì nữa mà đưa mắt nhìn khoảng không lòa nhòa
ngoài cửa. Đứa cháu ngoại của anh lâu lâu chạy lại dựa vào lòng. Anh xoa
xoa đầu nó, hôn lên tóc nó một cái rồi rít mấy hơi thuốc. Chị Lệ vợ anh
thi thoảng đi ra thêm nước đá xong lại vào trong. Chỉ có dì Chín, mẹ
ruột chị Lệ nằm võng bên cạnh, đưa cót két, kể chuyện đời xưa nay. Dì
Chín bảo, cả nhà dì sống nhờ đá, có được nhiều thứ từ đá nhưng cũng mất
đi nhiều thứ lắm. Con trai thứ hai của dì là anh Võ Văn Tùng, gánh đá bị
té năm hai ba tuổi, bác sĩ nói bị dập phổi, gãy xương sườn, cả đời
không làm nặng được. Một năm sau khi bị tai nạn, vợ anh bỏ đi, để lại
đứa con mới hơn một tuổi. Giờ anh Tùng đã bốn mươi tuổi, vẫn không làm
gì nặng được, phải phụ bán quán cơm kiếm tiền lay lắt sống qua ngày. Dì
nói mỗi gánh đá nặng chừng một trăm hai chục kí. Phu đá gánh từ bến
xuống ghe, đi trên cây cầu bằng miếng ván bề ngang khoảng hai tấc rưỡi,
trượt chân coi như từ chết tới bị thương. Xóm này cũng nhiều người bị té
lắm, kể không xiết đâu, nhưng nghề mà, phải ráng theo thôi con. Dì Chín
nói thế, giọng vẫn thản nhiên như không. Tôi hỏi, làm cực khổ, đôi khi
bán mạng vậy sao cả cái xóm này con thấy toàn dân nghèo không dì? Dì
bảo, khá là thời trước, chứ giờ gánh chỉ được mấy ghe nhỏ, ghe lớn người
ta làm sạt hết rồi, ai mà mướn gánh nữa đâu (“sạt” là một loại công cụ
được làm để xe tải chở đá có thể đổ đá trực tiếp xuống ghe). Nhà dì
trước kia có bốn người làm phu đá, đồng vô đồng ra thoải mái lắm. Nhưng
từ khi người ta xây mấy cái sạt, số nhân công được thuê mướn giảm nhiều,
mấy anh con trai dì đều dạt lên Bình Dương làm công nhân cho xí nghiệp.
Chỉ còn anh Tú con rể dì bám nghề. Ông Chín cũng theo nghề, nhưng giờ
già rồi, chỉ làm đá vụn, ngày kiếm mấy chục ngàn, nhiều khi chỉ đủ tiền
thuốc. Sợ tôi không hiểu, dì nói thêm, nghề đá vừa cực vừa tổn sức. Ví
dụ mấy thanh niên gánh đá giữa trưa nắng, nóng quá nhảy cái ùm xuống
sông cho người “nguội” bớt, rồi để mình mẩy ướt như vậy gánh tiếp, đến
khô lại nhảy xuống. Kiểu đó lâu ngày hầu như đứa nào cũng bị bệnh phổi.
Thêm nữa, dân chẻ đá, đục đá hoặc làm đá vụn thì bị bụi đá bay vào phổi,
thời trẻ không sao chứ lúc về già bệnh rề rề hoài. Tiền cũng vô nhưng
ra đường này đường kia hết, đến khi già nhiều khi không có tiền uống
thuốc. Dân nơi đây ai cũng biết làm đá cực, nhưng không chọn nghề này
biết làm gì bây giờ. Đất cát không có, chỉ làm mướn lay lắt thôi, không
làm đá, đi Bình Dương thì cũng vậy, mà lại xa quê. Có người đâu chịu rứt
khỏi quê, đành bám đá mà sống.
Tiếng mưa vẫn rơi đều trên mái lá. Tiếng dì Chín cũng rớt đều trong đêm.
Tôi nghe như cả một quãng đời dài đằng đẵng của dì ngập tràn trong đá,
được dì khoan nhặt trong đêm mưa này. Anh Tú vẫn điềm nhiêm uống, thỉnh
thoảng rít thuốc rồi nhả khói vào xa xăm. Có lẽ chính sự xuất hiện của
tôi khiến cho những con người nơi đây thức dậy những kỉ niệm của một
thời về đá, tiếc rằng đó chỉ là những thổn thức không hồi kết. Đêm đó,
tôi nằm ngủ trên chiếc chõng tre trước hiên nhà dì Chín. Cái xứ này lạ,
ban ngày thì nắng nóng như thiêu như đốt, nhưng đến đêm lại lạnh, cái
lạnh từ đá mà ra. Tôi đắp một cái mền mỏng, co rút lại nhưng vẫn không
ngủ được vì lạnh như từ trong xương lạnh ra. Hơi rượu ngà say chưa đủ
ấm. Đến mãi gần sáng tôi mới chập chờn chợp mắt, và trong chiêm bao, tôi
thấy mình oằn lưng dưới gánh đá nặng trìu trĩu, rồi rơi xuống một cái
vực nào đó, rất sâu. Tôi bừng tỉnh giấc thì phía đằng đông ưng ửng một
vệt hồng. Ngọn núi Cô Tô bị phạt mất một góc, hõm sâu vào, như một vết
thương không bao giờ kín miệng.
Những đau thương chiến tranh trong đá
Tôi rời gia đình anh Tú lúc tờ mờ sáng, chạy xe về hướng Ba Chúc, Lương
Phi. Trên đường đi, tôi bắt gặp những bãi đá lác đác người. Ô Tà Sóc ẩn
hiện trong sương sớm, lặng thầm một nét huyền ảo nguyên sơ. Ô Tà Sóc là
tên gọi theo tiếng Khmer của một ngọn đồi ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn,
có nghĩa là “suối ông Sóc”, vì nơi đây có một dòng suối tự nhiên chảy
từ đỉnh đồi xuống. Với địa hình đồi núi hiểm trở và hệ thống đường hầm
chằng chịt, nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy An Giang
thời chống Mĩ. Năm 1969, Mĩ - Ngụy càn quét vùng Thất Sơn, tập trung các
hướng tấn công chủ lực về núi Cấm, núi Phú Cường và Ô Tà Sóc. Tỉnh ủy
phải rút lui về núi Cô Tô, cố thủ tại đồi Tức Dụp, chỉ cử lại bảy đồng
chí giữ hang Ô Tà Sóc. Máy bay địch bắn phá ác liệt, cửa hang bị sập, cả
bảy chiến sĩ đều bị kẹt lại bên trong. Khi địch rút quân, bộ đội ta
tiếp tế cho các anh bằng cách đổ nước cháo và sữa qua ống tre, đồng thời
tìm cách phá cửa hang nhưng bất thành. Rồi địch tiếp tục mai phục và
công kích, khiến người trong hang chưa cứu được mà người bên ngoài thì
thương vong nhiều, đành phải để các anh nằm lại nơi đây. Chiến tranh đã
đi qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi đau trên ngọn đồi Ma Thiên Lãnh nơi các
anh nằm vẫn còn quặn thắt. Tôi lên đỉnh đồi khi sương sớm còn ướt đẫm
trên từng cánh hoa, mắt lá, nghe tiếng chim rừng rạo rực chào đón bình
minh. Đến đỉnh đồi, nhìn khối đá khổng lồ nằm ngạo nghễ, tôi bỗng nhớ
mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Trà Giang:
Tôi thẫn thờ trước
khối đá lặng câm/ Lấp cửa hang chôn các anh trong đó/ Chôn nỗi khát
khao, chôn niềm thương nhớ/ Mười tám đôi mươi, trẻ quá cuộc đời...
Ngồi dựa lưng vào tảng đá ở hang Điện Trời Gầm trên đỉnh Ma Thiên Lãnh,
tôi đốt bảy điếu thuốc đặt ở miệng hang, thầm khấn vong linh các anh
thôi thổn thức, bởi đất nước mình giờ liền một dải, non sông khởi sắc
từng ngày. Sự hi sinh nào cho Tổ quốc cũng vinh quang. Trong bảng lảng
sớm mai, tôi như thấy bóng dáng các anh khoác tay nhau trở về quê mẹ,
miệng nở nụ cười rạng rỡ tinh khôi. Cách đây không lâu, tôi có đi cùng
nhà thơ Trần Thế Vinh lên đây. Anh Vinh từng là bộ đội tham gia chiến
đấu ở biên giới Tây Nam, từng bao lần mai phục trên đỉnh núi Phú Cường,
bao lần vượt kênh Vĩnh Tế đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt. Gương mặt
anh đầy dấu ấn của thời gian, đôi mắt vời vợi như đáy vực. Tôi với anh,
một già một trẻ ngồi bên sườn núi Phú Cường, miên man bao nỗi niềm trắc
ẩn. Anh kể tôi nghe khi giặc đến Ba Chúc, dân làng kéo nhau chạy vào
chùa Phi Lai, Tam Bửu hay lên núi Phú Cường, trốn trong hang đá. Giặc
bao vây chùa, dùng lựu đạn tiêu diệt hàng ngàn người, thây chất chồng
lên nhau, máu ngập đến mắt cá chân. Chưa hết, chúng kéo lên núi, bắt
từng người dân, đập đầu vào đá núi rồi quăng xác xuống vực. Ai trốn
trong hang thì chúng dùng lựu đạn thảm sát. Có hang chết vài người, có
hang chết vài chục đến vài trăm người, hài cốt hiện vẫn chưa quy tập
hết. Có những người chạy loạn bồng con theo, khi trốn vào hang, mấy đứa
trẻ khóc thét lên, sợ địch phát hiện nên cha mẹ phải bịt miệng khiến có
đứa chết ngạt. Bộ đội đến giải cứu, sờ thấy có những xác trẻ em vừa chết
vẫn còn âm ấm. Thử hỏi trên đời này, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ấy
nữa hay không?
Trên đỉnh núi Phú Cường, nhìn về phía Tây là con kênh Vĩnh Tế, xa hơn
nữa là núi Tham Đưng thuộc địa phận Campuchia. Chính phủ hai nước đã nỗ
lực hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng hướng đến mối quan hệ đoàn kết
hữu nghị. Dọc tuyến biên giới Tây Nam ngày nay dân cư hai nước qua lại
giao thương tấp nập. Kia là cầu Hữu Nghị, gần hơn là cửa khẩu Xuân Tô
hiện lên như thiện chí xoa dịu vết thương hai dân tộc.
Linh thiêng đá
Tôi rong ruổi quanh vùng Bảy Núi, với tham vọng hiểu thêm về đá, về
những mất mát đau thương lẫn sức hồi sinh của vùng quê này. Kia là núi
Bà Đội Om với truyền thuyết về người phụ nữ thủy chung tìm chồng giữa
bạt ngàn sương gió, thân hóa đá rồi mà mắt vẫn vọng về phía trời xa. Mỏm
đá hình người phụ nữ đang đội chiếc cà om vươn mình trong nắng gió là
minh chứng cho tình yêu vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, đẹp vậy thay! Xa
xa, núi Két ẩn hiện giữa cánh rừng xanh thẫm, như chú chim khổng lồ đang
đợi thời khắc linh thiêng vỗ cánh bay vào không trung. Núi Dài nằm đối
xứng với núi Két, khiến dốc Nhà Bàng như một cái yết hầu, vừa mê đắm vừa
dễ chồn chân. Rồi núi Trà Sư, núi Nước, núi Tượng, núi Sam... như những
viên đá của các cô Tiên tinh nghịch, ném vương vãi khắp đồng bằng,
khiến cho quê hương An Giang trập trùng kì quan của tạo hóa.
Có
một ngọn núi mà tôi không thể không nhắc đến, đó chính là núi Cấm. Đây
được xem là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long, với độ cao ở đỉnh Bồ
Hong là 716m so với mực nước biển. Núi Cấm cũng là một trong những nơi
thu hút lượng lớn du khách bởi quần thể thắng tích, hệ thống đình chùa
miếu mạo dày đặc. Chính vì thu hút khách du lịch nhiều nên người ta chẻ
đá làm đường cho xe chạy lên đỉnh núi, bên cạnh con đường mòn có những
bậc thang vốn dĩ được làm từ thời Pháp thuộc.
Năm 2012, xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên núi Cấm. Có một hòn đá to từ
đỉnh núi bất ngờ lăn xuống, đè bẹp chiếc ô tô đang chở khách lữ hành.
Tai nạn khiến sáu người chết. Có lẽ vì thế mà ban quản lí khu du lịch
Núi Cấm phải cho đóng cửa nhiều tháng để khắc phục sự cố gây ra do cái
thứ “từ trên trời rơi xuống”. Hai năm sau, khi đến núi Cấm, tôi vẫn thấy
hòn đá hàng trăm tấn ấy nằm trơ bên vệ đường, như sự thách thức của tạo
hóa. Tôi quan sát thấy có mấy chân nhang quanh hòn đá, một số khách
hành hương khi đi ngang qua cũng chắp tay xá xá, trong nỗi sợ hãi mơ hồ
về một “siêu” thế lực linh thiêng. Ở “cái nôi của đạo Phật giáo Hòa Hảo”
này, những hành động đó hết sức bình thường. Năm 2010, huyện Châu Phú
có đoạn đường thuộc quốc lộ 91 bị lở, người ta đồn rần rần đó là sự nổi
giận của thần Sông. Họ đâu biết rằng, chính việc khai thác cát vô tội vạ
ở thượng nguồn sông Hậu một thời gian dài khiến dòng chảy thay đổi. Và
nó không ngại ngần cuốn phăng cái đoạn đường kiên cố đã gắn bó với nó
hàng trăm năm trời. Lần đá rơi ở núi Cấm, nhiều người vẫn cho rằng thần
Núi ra oai, trừng phạt những ai ở ác. Nói thế thì tội cho những người
xấu số kia, tai bay vạ gió làm sao tránh, hiền dữ làm sao phân xử? Mãi
đến đầu năm 2016, trong Hội thảo Núi Cấm - sự thật và huyền thoại do Hội
Sử học An Giang với UBND huyện Tịnh Biên phối hợp tổ chức, câu trả lời
này mới tương đối thỏa đáng. Trong bài tham luận tại Hội thảo, nhà thơ
Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội VHNT An Giang cho rằng, đá lở trên
núi Cấm không phải là hiện tượng siêu nhiên, mà do con người. Cụ thể,
trong quá trình thi công con đường lên núi, chúng ta đã dùng thuốc nổ,
dùng máy móc cơ giới làm chấn động, làm nứt rạn các khối liên kết vốn
rất bền vững của núi. Dĩ nhiên có nơi sau khi bị rạn nứt sẽ sập đổ ngay,
nhưng có nơi vẫn còn kết nối ở mức tương đối, chỉ khi sương gió tác
động nó mới sập đổ. Trước kia, khi người Pháp thi công đoạn đường đi bộ
lên núi Cấm, họ bắt dân phu làm bằng chân tay nên sự tác động với khối
núi khi ấy là không lớn. Còn giờ đây, chúng ta làm bằng cơ giới mà không
tính toán khoa học nên nhận hậu quả tất yếu và những hiểm họa vẫn tiềm
tàng... Ông ngậm ngùi, chua chát bảo, chúng ta hành xử với thiên nhiên
một cách hồ đồ thì có ngày nào đó, thiên nhiên sẽ giáng lại chúng ta
những đòn chí mạng. Lời cảnh báo ấy tôi đã thấy trong những trận lũ lụt ở
miền Trung, trong xác cá chết dọc bờ biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình
và trong hàng ngàn sự kiện nhói lòng khác nữa mà những ai có trách nhiệm
phải ngửa mặt kêu trời.
Đừng tưởng đá vô tri. Kì thực đá có linh hồn. Có điều, hầu hết chúng ta,
khi tâm hồn đã chai sạn, thì chỉ nhận thấy phần xác của đá. Tôi đến Bến
Đá dưới chân núi Sam, ngắm nhìn vườn tượng bằng đá ẩn hiện trong sương
sớm. Hàng trăm pho tượng đá đẹp mê hồn, nằm khép mình dưới chân núi, bỏ
mặc những ồn ào phố xá, lộng lẫy một cách bình tâm. Những pho tượng này
là tác phẩm của các điêu khắc gia trong nước và quốc tế thực hiện năm
2003. Những tảng đá nguyên khối hàng chục, hàng trăm tấn được quy tụ về,
được nghệ nhân thổi hồn, bất giác như đang thức dậy trầm tích ngàn năm.
Trong tôi chợt vọng mấy câu thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: Hớp ngụm
trà sương/ Vườn khuya ngắm tượng/ Rùng mình gió thoảng/ Nghe hồn đá
bay...
Trầm ngâm, tôi như thấy ánh mắt ông cùng với sương khói sớm mai hòa vào
từng thớ đá, bật dậy sức sống cổ kim, hòa quyện đến khôn cùng. Tôi đến
cúi đầu hôn vào chân một pho tượng đá, chợt thấy ngập tràn hồn mình
những đóa hoa đá nở lung linh.
T.C.H
Nguồn: vannghequandoi.com.vn