Trong mục tiêu giáo dục phẩm chất, cần nhấn mạnh việc đào tạo con người trong thời đại công nghiệp trình độ cao, phải là những con người có tư duy, phong cách lao động và tác phong sinh hoạt thích ứng với đòi hỏi của xã hội công nghiệp.
Một câu hỏi thường đặt ra là vì sao trong hai cuộc kháng chiến gian khổ (1945-1975), ngành giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang nhưng đến thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế, các kế hoạch cải cách giáo dục đều không đạt được như mong đợi, thậm chí có mặt sút kém, mặc dầu kinh phí nhiều hơn, nhiều dự án được tài trợ từ các tổ chức quốc tế, lại có điều kiện đi khảo sát nước ngoài và các nguồn thông tin phong phú, cập nhật?.
Trong thời kháng chiến, giáo dục phục vụ yêu cầu đào tạo lớp người sẵn sàng xả thân vì nước và trên thực tế đã làm được công việc đó. Truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông cùng những tấm gương hy sinh dũng cảm trong trận chiến đã thấm vào tâm hồn thế hệ trẻ. Họ lớp lớp lên đường cứu nước và đến lượt họ, nhiều người lại trở thành những điển hình của lòng dũng cảm, của đức hy sinh, lại được đưa vào sách giáo khoa cho các thế hệ học sinh tiếp bước.
Nội dung giáo dục trong nhà trường và không khí hừng hực của cách mạng đồng nhất với nhau, hòa quyện cùng nhau, tạo nên một môi trường thống nhất giữa giáo dục và yêu cầu của xã hội. Nội dung khoa học đi vào những vấn đề cơ bản, chỉ học trong 9 năm, 10 năm là đáp ứng với yêu cầu của một xã hội cơ bản vẫn là nông nghiệp. Chỉ một bộ phận được đào tạo ở trình độ cao, một số được gửi ra nước ngoài để chuẩn bị xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Bước vào thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước, chúng ta có lúng túng trên nhiều mặt. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn đặt ra và nhiều lớp trai tráng lại lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc cùng nhiều vùng biển đảo xa xôi. Cho đến hôm nay và sau này, giáo dục vẫn phải coi trọng nhiệm vụ đào tạo những con người yêu nước, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề này đặt ra với tất cả mọi người, chẳng phải riêng ai.
Nhưng nền giáo dục sau thống nhất đã không xử lý tốt việc đào tạo con người - cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn - để đáp ứng yêu cầu dựng xây đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã không đạt được (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII). Có nhiều nguyên nhân, song trong đó có phần trách nhiệm của giáo dục.
Đến nay, để đạt mục tiêu cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, là một trong ba đột phá chiến lược với nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề nên đặt ra là Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự tiến hóa của thế giới và 9 năm, 12 năm nữa, người học sinh hôm nay vào lớp Một - sản phẩm đào tạo của giáo dục phải đứng trước nhiệm vụ gì?
Thế giới hiện đại đã trải qua 3 thời đại văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh thông tin; đã vượt qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và nay đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp đang tiến hành công nghiệp hóa mặc dù có một số ngành đã bước sang công nghệ thông tin. Tình trạng đó ảnh hưởng đến con người Việt Nam.
Bên cạnh những phẩm chất đáng quý mang tính truyền thống của dân tộc, con người Việt Nam hôm nay rõ ràng chưa thích nghi với cuộc sống hiện đại về tư duy, phong cách lao động và thói quen sinh hoạt. Chỉ lấy riêng một ví dụ về sự hỗn loạn trong giao thông, mỗi ngày hơn 20 người chết, để thấy con người Việt Nam xử lý những phương tiện hiện đại (xe máy, ô tô, máy bay) bằng tư duy và thói quen của người tiểu nông “đường ta, ta cứ đi” hết sức tùy tiện, coi thường luật lệ giao thông, coi thường tính mạng của mình và của người khác. Gặp một nhóm lao động người Việt ở nước ngoài, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa họ với cộng đồng cư dân bản địa ở cách ăn to nói lớn, chen ngang không chịu xếp hàng, lao động không theo nội quy, chất lượng sản phẩm kém, vi phạm luật pháp và phong tục địa phương (nhất là ở những nước theo đạo Hồi). Điều đó cho thấy họ chưa được chuẩn bị để bước vào xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, kể cả ở trong nước và khi ra nước ngoài.
Bản Dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào công bố ghi rõ “Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm”. Đi vào chương trình cụ thể, mỗi khái niệm sẽ được làm rõ nội dung chi tiết. Song có thể thấy tính chung chung của những phẩm chất trên, tuy không sai nhưng không phản ánh được những vấn đề của xã hội hiện nay, do đó không dự báo được những nhiệm vụ đặt ra cho giáo dục trong tương lai.
Các cháu học sinh lớp Một theo chương trình mới từ năm 2018 sẽ tốt nghiệp THCS vào năm 2027 và tốt nghiệp THPT vào năm 2030. Lúc đó thế giới đã đi đến đâu và Việt Nam ta đang ở chỗ nào, cần những phẩm chất gì đối với người công dân, người lao động? Cần lấy đó làm cái mốc để xác định mục tiêu giáo dục về phẩm chất học sinh. Tất nhiên, giải thích cụ thể nội dung mục tiêu giáo dục phẩm chất “yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm” sẽ thấy đầy đủ các nội dung cần có. Song nên nhấn mạnh một vài điểm sau:
1. Đối với các cháu nhỏ, cần nhấn mạnh một cách cụ thể“yêu gia đình, yêu trường lớp; kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; quý mến và giúp đỡ bạn bè”, thay cho khái niệm “yêu đồng bào”, “yêu con người”. Những điều này tưởng như đơn giản, ai mà chẳng biết. Nhưng không phải. Cứ nghe chuyện các cháu nói với nhau về thầy này, cô nọ thì không khỏi giật mình và lo lắng về sự xuống cấp của đạo thầy trò. Rồi học sinh gái đánh nhau tàn bạo, được các bạn cổ vũ, không còn là chuyện cá biệt nữa. Cho nên về đạo đức, nếu không chăm lo từ cái gốc này thì các chuyện tiếp theo chỉ là phù phiếm. Khái niệm “yêu con người” phải chăng quá chung chung, không gây được ấn tượng và cảm xúc đối với trẻ nhỏ, do đó ít tác dụng.
2. Mục tiêu đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS hay THPT và cao hơn nữa, phải là “nguồn nhân lực có chất lượng cao”. Trình độ của nguồn nhân lực tùy theo từng bậc học nhưng dù ở bậc nào cũng đòi hỏi chất lượng cao tương xứng với trình độ được đào tạo. Điều đó phụ thuộc vào khả năng chuyên môn, vào tay nghề, song điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là ý thức lao động công nghiệp. Đây là điều phải rèn dũa cho học sinh vì nó khác với lao động của người tiểu nông, thợ thủ công, buôn bán nhỏ có tính tự do, tản mạn, tùy tiện, không bị ràng buộc chặt chẽ vào những quy chế chung.
Ý thức lao động công nghiệp trước hết là tính kỷ luật. Đó là kỷ luật trong giờ giấc, trong việc tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, thực hiện nghiêm chỉnh nội quy công xưởng và cơ quan, trong việc chấp hành các quy chế, trong mối quan hệ ứng xử… Điều này không chỉ đúng với người lao động công nghiệp mà hết sức cần thiết đối với mọi lao động, kể cả nông dân và thợ thủ công, người buôn bán và nhân viên công sở. Vấn đề này không chỉ giảng dạy trong môn kỹ năng sống mà cần được quán triệt trong các môn học khác và trong mọi sinh hoạt học đường. Có như vậy, mới đào tạo được đội ngũ những người lao động có ý thức trách nhiệm, có kỷ luật, có tay nghề đáp ứng nhu cầu về chất lượng cao.
3. Thế giới phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, hơn 30 năm qua, Việt Nam tích cực tiến hành hội nhập quốc tế, đã đạt được một số thành tựu nhất định. Song sự hội nhập đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, đối với con người Việt Nam. Vậy chuẩn bị cho lớp học sinh đi vào thời đại toàn cầu hóa như thế nào? Bên cạnh sự chuẩn bị về ngoại ngữ và nâng cao trình độ chuyên môn, việc chuẩn bị con người cho xu hướng toàn cầu hóa đặt ra nhiều vấn đề về nhận thức, về phong cách lao động và tác phong sinh hoạt. Làm sao để thế hệ thanh niên này, thường được gọi là công dân toàn cầu, khi tiếp xúc quốc tế có đủ bản lĩnh, tự tin về năng lực, hòa đồng một cách tự nhiên, học tập có hiệu quả và phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế….
Từ những điểm trên, trong mục tiêu giáo dục phẩm chất, cần nhấn mạnh việc đào tạo con người trong thời đại công nghiệp trình độ cao, phải là những con người có tư duy, phong cách lao động và tác phong sinh hoạt thích ứng với đòi hỏi của xã hội công nghiệp. Họ phải là những người có tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức và khả năng hội nhập cộng đồng quốc tế, có năng lực sáng tạo và bắt kịp đà phát triển của thế giới.
Vũ Dương Ninh
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của GS-Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Chủ nhiệm Khoa quốc tế học, ĐH KHXH-NV, Đại học quốc gia Hà Nội).