Tiểu đoàn lính sinh viên mang phiên hiệu 3002 chúng tôi vào đến chiến trường sau ba tháng mười ngày hành quân vượt Trường Sơn. Cuộc hành quân ấy, đoàn hao đi vài chục chiến sĩ. Vừa từ ngã ba Đông Dương về tới Kon Tum, chúng tôi lại nhận lệnh vượt sông Sa Thầy qua đất Campuchia mót sắn làm lương thực cho đơn vị đang chiến đấu bên Gia Lai. Chừng trên bốn trăm người, cặm cụi hơn hai tháng bên đất bạn. Khỏi phải kể những ngày ấy, chúng tôi đói và ốm đau thế nào. Kết thúc, chúng tôi hành quân về Gia Lai để bổ sung xuống đơn vị chiến đấu.
Lại qua sông Sa Thầy, đi về hướng Đông, lại gặp lính mình quần đùi gầy
ngẳng nghiu trên các nẻo đường, chúng tôi đi khoảng hơn mười ngày thì
cách Pleiku chừng dư một tầm pháo. Trập trùng những cánh rừng gai xấu hổ
xen nương cà phê của dân. Đói, sốt rét khật khừ suốt đường hành quân.
Về đến Gia Lai, Tiểu đoàn tôi tách làm hai. Sinh viên Đại học Sư phạm,
Đại học Nông nghiệp và một số trường trung cấp về Trung đoàn 48. Cơ
điện, Y khoa với Cao đẳng Luyện kim, Cao đẳng Xây lắp 3, Địa chất… về
Trung đoàn 64. Hai Đại đội xếp hàng ở một sườn đồi thỉnh thoảng veo véo
pháo địch bắn qua đầu. Lính cũ bảo kệ mẹ nó, lúc nào xoèn xoẹt thì nằm
xuống. Nghe mà nôn nao, chỉ sợ xoèn xoẹt đến ngay lúc ấy. Quân xếp thành
hàng ngang để cán bộ đi ngắm. Mấy ông đeo túi mìn lần lượt nhòm từng
thằng rồi chỉ người này lắc người nọ. Tôi bị sốt nằm dưới đất, tai ù đi,
rét thấu từ trong ruột. Thì ra, các đơn vị pháo, thông tin, cơ quan
Trung đoàn được ưu tiên chọn trước, sau đó mới đến bộ binh chiến đấu.
Tôi liếc mắt lên. Ngô Thịnh Tiểu đội 6, Tiêu, Khang Tiểu đội 4 đều đã
được dẫn đi. Tôi sốt càng nặng hơn, đầu rú o o như có con nhặng xanh
trong óc, nằm dưới đất nước mắt ứa ra nhìn chúng nó bẻ cành lá ngụy
trang trùm lên đầu, lùi lũi đi theo người nhận quân về từng đơn vị chiến
đấu. Máy bay OV10 rà rà. Cán bộ quát, che kín ngụy trang vào không thì
chết cả nút. Buồn thế, mờ mịt thế, pháo địch vẫn thỉnh thoảng u ú bay
qua. Tôi biết, chúng tôi rất gần địch rồi. Chỉ còn vài thằng sốt rét
cuối cùng trong đó có tôi vét nốt về Đại đội 7. Người cán bộ nhận quân
văng tục: Cứ thằng nào khỏe mạnh to con Tiểu đoàn bộ và trực thuộc nhặt
hết! Còn mấy thằng rẻ rách thì gí cho về chủ công. Chủ công cái con c…,
cho bọn Tiểu đoàn bộ chúng nó xuống đây mà đánh nhau!
Mấy thằng tôi dìu nhau vặt vẹo chừng một giờ thì về đến kiềng chốt.
Người đón là một trung đội trưởng bò dưới hầm lên, mặc quần đùi rách
tươm, mặt mũi rất bẩn, tóc queo queo từng túm như rễ bèo tây do hàng
tháng không được tắm. Anh tên Ngô Văn Trăng, hơn tôi hai tuổi. Nửa muốn
cười, nửa muốn thân thiện, nhưng thấy tôi dặt dẹo quá đâm ngán nên nụ
cười của anh hé ra một nửa rồi tắt. Sốt à? Vâng em sốt vài ngày nay. Ăn
được không? Dạ không muốn ăn. Phải cố mà ăn không là chết, chết chỉ có
thiệt cha mẹ mình mày ạ. Mày vào hầm nằm đi. Nói rồi anh bò đi luôn. Một
lính cũ cũng bé quắt ngồi ôm khẩu B40 ở nóc hầm lầu bầu: Có đếch gì ăn
mà bảo cố...
Làm quen với chỉ huy chỉ ngần ấy, thế mà tôi cứ hình dung họ sẽ hỏi: Lí
tưởng của đồng chí là gì? Đồng chí có suy nghĩ gì khi về đây? Mấy anh
lính cũ đưa cho tôi nắm lá chua bảo: Ăn đi, càng chua càng đỡ sốt. Nói
rồi, họ bò ra vị trí điểm chốt. Tôi không ngờ ngày đầu tiên về đơn vị
lại là ngày tôi lên chốt mà lại là lúc sốt cao. Tôi lơ mơ như thế cho
đến lúc thấy bom nổ. Tôi chồm dậy. Lúc ấy mặt trời đã xuống núi, loáng
thoáng nghe lính cũ bảo T28 ném bom ngoài đường 19. Đêm ấy, tôi nằm dưới
hầm với mấy người lính cũ toàn quần đùi rách hôi rình rình. Tôi bỗng
nhớ thằng Chung Ninh Bình. Nó về C5 với thằng Lương Lợi, không biết bây
giờ ở đâu. Mấy thằng cùng trường nữa... Đêm đầu tiên ở tiền tiêu nghe
não nề côn trùng, thi thoảng là tiếng pháo bay qua rấm rứt.
Hôm sau tôi đỡ sốt. Cuộc ra mắt của tôi là một trận bò ra rừng tìm lá
chua và một cây chuối non. Tôi thái đọt chuối, thái lá chua trộn với mì
chính và muối thành món nộm rất ngon. Lính trên chốt đói nên háo lắm, ai
cũng khen. Anh Trăng bảo, tao còn nhúm thuốc Miên, thằng Luân mới vào
có giấy pơ luya bỏ ra để hút. Cả mấy anh em sướng sáng mắt. Tôi lật
cuốnnhật kí lấy ra lá thư ông già gửi trước khi đi B, bảo em chỉ có lá
thư này là pơ luya. Anh Trăng bảo, thư ai, đọc xem nào, thư nào cũng hút
tất, rồi nhỏm đầu kêu thằng Đấu cảnh giới trên miệng hầm, sau đó giục
đọc đi, đọc đi. Tôi đọc, vừa đọc vừa khóc. Bố tôi là thầy giáo nên cụ
viết rất tình cảm và khúc chiết. Tôi đọc đến câu: “Luân ơi, thầy chỉ
mong đến một ngày con lại trở về học ở Trường Cơ điện mà thầy mẹ mong
ước. Con sẽ làm kĩ sư và tiếng hát con lại vang lên vui ấm mái nhà
ta...” thì anh quát to: Thôi không đọc nữa, lá thư này không được xé,
phải giữ. Mấy thằng trong hầm cũng khóc. Anh Trăng lại quát. Khóc cái
đéo gì. Thư nào chả là của chung. Chỉ giấy báo tử mới của riêng. Sống
mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ. Lính bọn mình sống mấy thằng
một hầm, chết mới mỗi thằng mỗi mồ. Mà chưa chắc đã được mỗi thằng mỗi
mồ.
Đêm ấy, đầu mùa mưa mà trời chiến trường không mưa. Ngoài cửa hầm nhìn
rõ cả những vì sao long lanh. Tiếng chimkhuya não nuột. Các nhà văn bảo
đó là tiếng chim từ quy. Tôi không biết từ quylà gì, chỉ nghe... “chót
thì bóp” đến nao lòng.
Lá thưkhông được xé tôi giữ mãi tới ngày giải phóng trở về. Bố tôi
nghẹn ngào lau nước mắt khi thấy lại tám trang pơ luya đã viết cho tôi
trước ngày tôi lên đường đi vào Nam. Tờ pơ luya nay chuyển ngả màu như
sáp mà nét chữ của bố vẫn tươi nguyên.
Anh Trăng đi học sĩ quan Cầu Lầy (Quân chính mặt trận) trên Kon Tum vào
năm 1974. Tôi theo đơn vị đi đến hết cuộc chiến tranh giải phóng và chưa
bao giờ gặp lại anh. Nay về già nhớ anh, cái con người mới học hết lớp
7... Lính bọn mình sống mấy thằng một hầm chết mới mỗi thằng một mồ. Thì
ra, như tôi đây học cao hơn anh cũng đâu hiểu nổi anh, nghĩ được như
lời người lính ít học trong lửa đạn chiến trường. Tôi chỉ nhớ anh là Ngô
Văn Trăng. Quê Tiền Hải Thái Bình. Anh Trăng ơi!
N.T.L
Nguồn: vannghequandoi.vn