Một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác giải quyết khiếu nại về đất đai của UBND Tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

22/10/2021

  • lượt xem: 487

Thực tế trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại của công dân và đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại như: Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 06/3/2002 của Ban chấp hành trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Thông báo số 130- TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996, sửa đổi bổ sung năm 1998, 2006; Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Tiếp công dân năm 2013. Việc ban hành các văn bản này là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại và khiếu kiện hành chính. Qua việc giải quyết khiếu nại, Nhà nước đã khôi phục lại nhiều quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, thu hồi nhiều tài sản cho nhà nước bị chiếm đoạt trái phép, góp phần củng cố trật tự pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, với những kết quản đạt được, việc thực hiện quyền khiếu nại, công tác giải quyết khiếu nại nhiều nơi giải quyết chưa đúng, chậm, kém hiệu lực, hiệu quả. Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp dân, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài, nhưng số lượng đơn thư khiếu nại có xu hướng ngày càng tăng nhất là khiếu nại trong lĩnh vực đất đai phát sinh ngày càng nhiều, tính chất diễn ra hết sức phức tạp và gay gắt, khiếu nại đông người, vượt cấp trong đó có một số vụ việc trở thành điểm nóng gây mất ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số tỉnh, thành.

Tăng cường công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai của UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước phải trên quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, bảo đảm sự ổn định xã hội, bảo vệ kịp thời lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan thanh tra; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trên quan điểm đó, thiết nghĩ rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật đất đai, pháp luật khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng năm 2020 đã nêu:“hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, bảo đảm mọi quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật đều được phát hiện và có thể bị khởi kiện trước toà án; đổi mới thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận lợi cho dân, đồng thời đảm bảo tính thông suốt, hiệu quả của quản lý hành chính”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng đã chỉ rõ:“Khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong công việc và giải quyết khiếu kiện của dân. Nâng cao vai trò của Tòa hành chính trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính”; Thông báo Kết luận số 130- TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới đã xác định:“Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nhất là pháp luật về đất đai và khiếu nại, tố cáo... Khẩn trương xây dựng và ban hành Luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo”.

Vì vậy, nhằm tăng cường hơn nữa công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay và góp phần đảm bảo quyền khiếu nại của công dân được thực hiện đầy đủ trên thực tế thì theo tôi đối với UBND cấp tỉnh cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất,coi trọng công tác tiếp dân ở các cấp chính quyền địa phương, tổ chức và chỉ đạo giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Thứ hai,kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành về việc thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai ở tỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và khách quan.

Thứ ba,tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

Thứ tư,đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai, pháp luật khiếu nại, tố cáo.

Thứ năm,kiện toàn, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về đất đai và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị địa phương.

Thứ bảy, tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp, đoàn đại biểu Quốc hội,… đối với hoạt động giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Như vậy, công tác giải quyết khiếu nại về đất đai của UBND cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay sẽ đạt được kết quả khả quan nếu thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán các giải pháp trên. Điều đó sẽ bảo đảm kỷ luật, kỷ cương nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, khôi phục, củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.