Ghi chép. ĐINH PHƯƠNG/
Tính đến giờ tôi đã có ba lần đến với Cô Tô. Ba lần đều vào cuối đông, đều gặp gió và gió. Gió Cô Tô là thứ gió cắt cứa của khơi xa, sóng cuộn như những đàn thú hoang cả triệu con đuổi bắt nhau tiếp mãi về cuối trời...
Nhung nhớ Cô Tô - Thanh Lân
Những người già trên đảo vẫn còn nhắc nhớ và kể cho con cháu về những
ngày cuối năm 1945, họ đã vui thế nào khi nghe tin Đại đội Ký Con từ Hòn
Gai dùng tàu chiến Le Cresyac của chính Hải quân Pháp tiến ra giải
phóng Cô Tô. Nhưng rồi niềm vui ấy phải gói thêm chín năm nữa. Lịch sử
Cô Tô chưa bao giờ suôn sẻ. Trong khi cách mạng tháng Tám thành công, cả
nước hân hoan với cờ hoa, cuộc sống mới thì người dân Cô Tô - Thanh Lân
vẫn tiếp tục dưới ách của quân Pháp, phỉ, cướp biển và “Xứ Nùng tự trị”
do Voòng A Sáng cầm đầu. Chỉ đến khi hiệp định Genève được kí kết, lịch
sử vùng đất tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc mới được lật sang trang
mới.
Có lẽ, sự không suôn sẻ đã tạo cho quân và dân nơi đây tính cách luôn
chủ động trong đời sống. Điều này đã được chứng minh qua những câu
chuyện mà tôi được nghe họ kể. Đó là chuyện của anh Nguyễn Mộng Điệp
(hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cô Tô) và chị Phạm Thị
Măng từ những ngày đầu tiên ra đảo. Hồi ấy, anh Điệp công tác ở Lữ đoàn
242 đảo Thanh Lân, còn vợ trong quê Thái Bình. Cưới đầu năm 1992, cuối
năm sinh cháu, cuộc sống vợ chồng anh lúc đầu cũng giống như bao nhiêu
cặp vợ chồng lính khác với sự xa xôi diệu vợi đôi tháng một lần về thăm.
Sau thấy ở đảo đất nhiều, anh về quê tỉ tê bàn với vợ ra đây lập
nghiệp. Đầu năm 1993, sau khi gửi con lại cho ông bà nội, hai vợ chồng
tới Quảng Ninh, tìm mãi mới được thuyền đánh cá của dân ra đảo cho đi
nhờ, nhưng đầu năm họ kiêng chỉ đồng ý cho anh đi. “Tưởng đâu chị phải ở
lại bờ chú ạ, hú vía. Quay về Thái Bình thì cũng không đủ tiền. Cũng
may anh nhanh trí đưa giấy hôn thú ra bảo đã là vợ chồng thì phải đi có
đôi có cặp chứ kiêng khem gì, đi một người chia rẽ còn đen đủi hơn, họ
mới đồng ý cho đi đấy”.
Chị Măng nói chuyện xưa mà giọng vẫn ngầm run run sợ hãi. Anh Điệp ngồi
cạnh thỉnh thoảng lại khoác vai vợ lay lay trấn an. Để ý mới thấy mái
tóc chị bạc nhiều hơn tóc anh, lốm đốm từng vệt loang trắng. Thời gian
nhuộm phai được nhiều thứ, chỉ có kí ức con người là không. Tôi cảm thấy
mình có lỗi khi gợi lại chuyện đói khổ. Bởi cứ nhìn căn nhà năm tầng
khang trang nằm sát biển, với hơn hai mươi phòng nghỉ cho khách du lịch
thuê thì ai nghĩ anh chị từng có thời gian khó khăn thế.
“Hay anh chị kể chuyện khác đi”. Tôi gợi ý. Nhưng anh gạt phăng, dứt
khoát. “Đời chúng tôi còn gì đáng giá hơn câu chuyện lúc mới ra đảo đâu.
Hồi đó, cái gì cũng khó khăn, hai vợ chồng trẻ đi lập nghiệp của hồi
môn chỉ là năm con gà, hai con lợn con làm giống. Ra đến Thanh Lân xin
chính quyền cho ở ngôi nhà hoang của một người Hoa bỏ lại gần bãi Tống
Vàn. Lúc này, ngoài công việc mưu sinh còn là nỗi nhớ con nữa. Nhiều
đêm, nghe tiếng dê kêu như tiếng trẻ con khóc mà lòng cứ nao nao. Chú có
con rồi chắc biết…”.
Đặc biệt, trong kí ức của mình, anh chị không thể nào quên trận bão lớn
đổ bộ vào đảo năm 1994. Sáng ra, khi bão ngớt, mở cửa bắt gặp hằng hà sa
số mìn còn sót lại trong chiến tranh bị gió, nước đẩy lên sân, nằm lăn
lóc như những quả bưởi. Để ra được khỏi nhà, anh phải nhặt chúng xếp gọn
vào một đống, đếm ra lên tới vài trăm quả. Chị Măng nhìn chồng nhặt mìn
mà run rẩy mặt cắt không còn giọt máu, lắp bắp. “Hay… thôi anh…”. “Vớ
vẩn. Thôi để nó nổ làm ma à”. Anh gắt, xong tất tả chạy lên đơn vị nhờ
đồng đội học công binh về trợ giúp tháo gỡ. Khi hai anh mang số thuốc nổ
nộp lại cho đơn vị thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
“Lúc ấy anh sợ không?”
“Sợ chứ, nhưng nếu mình không nhặt thì vợ, rồi anh em đi giẫm vào cũng
chết. Mà nói thật, cái “liều” nó lấn át hết sợ hãi. Bây giờ nghe bom mìn
sợ chứ lúc mới ra bom mìn trên đảo còn nhiều, thậm chí để tránh mìn mọi
người phải bước theo dấu chân bò nên không riêng nhà tôi mà dân cả đảo
cũng hình thành phản xạ nhanh nhạy, gan cóc tía”.
|
Biển Cô Tô - Ảnh: Internet |
Nhưng
chuyện tháo dỡ bom mìn vẫn chưa “kì bí” bằng chuyện “phá trấn yểm”.
Ngôi nhà anh chị ở là nhà thấp trình đất, dày 50 - 60 cm, tường trộn
đường láng mịn, mỏng chắc, đông ấm, hè mát, chịu sóng gió rất tốt. Thời
gian đầu không có chuyện gì, nhưng đến khi đón đứa con hơn tuổi ra ở
cùng, những hôm anh đi vắng, ở nhà con cứ khóc ngằn ngặt không nín. Nghe
người mách dỡ hết mái nhà ra lợp lại, nếu thấy lưỡi cuốc hoặc đinh thì
bỏ đi, anh chị làm theo thì thấy ba lưỡi cuốc ở hai đầu hồi và giữa
thật. Mấy bữa sau, anh phát hiện có một chỗ giữa nền nhà đi thấy bồm
bộp. Thúc gót mấy cái thì sụp xuống lỗ tròn to bằng miệng bát. Đào rộng
ra thì ở dưới là cả hầm bát đĩa bỏ lại. Bát đĩa ấy anh mang lên đơn vị,
chỉ bớt lại vài cái đủ nhà dùng. Con cũng không quấy khóc nữa. Về chuyện
này, anh bảo, cái quan trọng nhất là giải tỏa được tâm lí cho vợ, còn
cháu không khóc là do đã quen dần với nơi ở mới...
Nơi đảo xa dù khó khăn nhưng đổi lại, tình người nơi đây lúc nào cũng
đậm đà. Con người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Nắng gió
khiến họ gầy guộc, cũ mèm, nhưng tâm hồn lúc nào cũng dạt dào, đong đầy
như sóng, kiên cường như những ngọn núi vươn mình nơi biển khơi, vậy nên
mới có đám cưới “để đời” giữa chàng lính trẻ Nguyễn Đức Mừng của đảo
Thanh Lân và cô giáo Nguyễn Thị Diên vào năm 1999. Số là hai anh chị
cùng quê Hải Phòng, ra đảo, gặp nhau trong một buổi kết nghĩa giữa bộ
đội và trường cấp I, II Thanh Lân nhận đồng hương rồi yêu nhau. Gần hai
chục năm trước, đảo không có đường bê tông như bây giờ, từ đầu này sang
đầu kia đảo phải qua núi cao nhấp nhô ngăn cách. Đường bộ thì chống gậy
theo đường mòn đi mất quãng hai tiếng. Đường biển phải thuê thuyền cá
rất cách rách, mà lại không có cầu cảng, phải lội ngang lưng bì bõm từ
thuyền vào. Bao nhiêu khó khăn, gian nguy về vị trí địa lí, về đường đi
chẳng làm họ xa cách mà lại khiến tình yêu của anh chị thắm đượm.
Chị kể, trong những lần gặp nhau câu đầu tiên chị nói không phải là yêu đương, thăm hỏi mà là trách móc, lo lắng.
“Anh đừng sang nữa được không? Em sợ đường đi nhiều rắn rết. Nhỡ ra...
hôm rồi có cô giáo bị rắn cắn chuyển vào đất liền không kịp đấy”.
“Nhưng anh nhớ em, chưa xa đã nhớ”.
Lính đảo anh nào cũng lãng mạn, giọng nói ồm ồm để bạt lại với gió. Thêm
nữa, có một điều khó lí giải, đó là những đám cưới của lính đảo Thanh
Lân thường diễn ra vào ngày biển động. Ngày cưới của anh Mừng, chị Diên
cũng là ngày biển động như thế, khi đón dâu, đò chỉ chở được mười người
nhưng ghép thành hai mươi. Gió to khiến con thuyền chòng chành, chao
đảo, tưởng chìm giữa đường. Khi vào được gần đảo thì ai cũng ướt như
lột. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Thanh Lân ùa ra cõng, bế đại diện
hai gia đình vào đảo rồi cho mượn quần áo để thay. Các cô giáo đùa nhau,
chưa bao giờ thấy yêu “quần đùi” của bộ đội đến thế, còn người dân được
trận cười muốn bể bụng. Khi kể chuyện này, anh Mừng bảo, chỉ tiếc ngày
vui ấy không có anh trai anh là Nguyễn Văn Bàn, một người rất thương anh
- tham dự bởi anh đã hi sinh ở biên giới Tây Nam. Nhớ cái tết năm 1978
lần cuối cùng anh về chơi với gia đình rồi đi, gói bánh trứng trong ba
lô tặng người yêu anh Mừng lấy ra ăn vụng. Anh Bàn nhéo tai yêu đứa em
rồi bảo ăn từ từ thôi kẻo nghẹn. Sau này, mẹ anh vẫn bảo tao mơ thấy nó
về cho mày bánh trứng suốt. Mà hôm nó đi giá nó đi theo đường thẳng chứ
đừng nhảy tắt qua bờ rào thì có lẽ không sao...
Sóng gió đảo xa, khó khăn vất vả càng trui rèn thêm đức thủy chung như
nhất. Câu chuyện của anh Tống Minh Úy (Nhân viên cơ yếu Ban Chỉ huy Quân
sự huyện) và chị Nguyễn Thị Thanh cùng quê Thái Bình là một trường hợp
như thế. Lần thứ nhất, anh chị định tổ chức lễ cưới vào mùng chín tết
năm 1994. Mọi thứ xong xuôi, đơn vị đóng quân ngoài đảo cử người về dự.
Nhưng vì hai gia đình chưa thống nhất nên đến phút cuối đám cưới phải
hủy. Sau lần ấy, cả hai đều nản, nhưng anh chị vẫn kiên trì với tình yêu
của mình. Phía nhà anh đánh mối trong làng giới thiệu cho anh vài cô,
anh chỉ ừ hữ, chẳng ưng ai. Ở ngoài đảo, anh vẫn thường xuyên gọi điện,
viết thư về cho chị. Đến một ngày mùa đông năm 1998, anh bàn với chị ra
đảo làm đám cưới với ý định tạo nên một “sự đã rồi”. Đám cưới tổ chức
tại đảo Cô Tô, đăng kí kết hôn trên đảo, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đứng
ra tổ chức. Tiền mừng cưới mua được hai cái nồi... Bốn năm sau, khi con
được tuổi rưỡi, ông bà nội ngoại ra thăm nhìn cháu rồi khóc.
Ở đảo Thanh Lân này, như bao đảo khác trên tuyến đảo Đông Bắc, khó khăn
nhất vẫn là nước ngọt. Có con suối hiếm hoi tưởng có thể lấy được nước
để phục vụ sinh hoạt, thì lại rất độc. Chỉ cần sứt chân, sứt tay hay
người hơi yếu đi qua cũng ốm liệt giường. Trên thực tế, chỉ có vài giếng
nước dùng được nên dùng phải hết sức tằn tiện. Nhiều lần bộ đội tìm
cách giúp dân đào giếng, tìm nguồn nước mới nhưng đều thất bại. Và sự
thiếu thốn ấy đã tạo nên lẽ sống đặc biệt chỉ có ở Cô Tô. Những thuyền
bè khơi xa, không cần biết đến lúc nào, đến bao giờ, chỉ cần đến là có
nước ngọt đem đi. Không cần quen hay lạ, xa hay gần, chỉ cần đến lấy là
có. Họ sẵn lòng sẻ chia cho nhau những khó khăn theo cách riêng của họ.
Ngay cả bây giờ khi mọi thứ đã thuận lợi hơn, nước không thiếu như trước
nữa vì đập đã xây, nước dẫn về, kinh tế được coi là đủ đầy nhưng họ vẫn
giữ nếp sống tình nghĩa ấy. Mọi người đến đảo nếu muốn đi lòng vòng
bằng xe máy đều không phải là vấn đề khi đến Cô Tô. Mượn xe máy ở Cô Tô
còn dễ hơn mượn cái chổi ở thành phố. Xe máy dựng để nguyên chìa khóa
trước nhà, bất cứ ai có nhu cầu thì đi, sau đó để lại chỗ cũ. Gặp lại,
người mượn với chủ xe bắt tay nhau cười vui vẻ.
Cô Tô - Thanh Lân, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa
Những khi trời yên biển lặng, từ đất liền Vân Đồn ngày chỉ có một chuyến
tàu trực tiếp ra xã đảo Thanh Lân. Còn không đều phải đi qua trạm trung
chuyển Cô Tô mất thêm nửa tiếng đến một tiếng nữa tùy vào gió to hay
gió nhỏ dù hai đảo có thể nhìn thấy nhau. Có những khi cô giáo bên Thanh
Lân về nhà bên Cô Tô cuối tuần, rồi gặp dịp cấm tàu nửa tháng sau mới
sang dạy tiếp được các cháu. Rồi chuyện có những người phụ nữ nhà bên Cô
Tô, sang Thanh Lân làm bảo dưỡng đường gặp sóng lớn không về được. Cứ
ngày ngày, trước khi đi làm, họ kéo nhau ra bờ biển nhìn về bên kia. Có
người thương con, tức sữa, vạch vú vắt ngay xuống cát lạnh. Có những
chuyến về phép mà vợ chồng, con cái không được gặp nhau phút nào.
Âu xét đến cùng cũng là lẽ mưu sinh cả. Gia đình chị Diên, anh Mừng sau
khi cưới nhau, chị ngoài nghề dạy học có thêm nghề chụp ảnh. Chị Diên mở
tủ lấy ra cuốn album, lật giở từng trang cho tôi xem. Có ảnh gia đình
nội ngoại mỗi lần ra đảo chơi, ảnh gia đình vào mỗi dịp tết, ảnh đơn vị
anh diễn tập, ảnh các thầy cô giáo trường chị trong buổi giao lưu…
“Với của hồi môn là chiếc máy ảnh Konica Minolta bà ngoại mua cho, tranh
thủ mấy tháng hè chị về Hải Phòng học chụp ảnh. Mà nói học chụp ảnh cho
oai chứ thực ra người ta chỉ bảo cho cách bật, mở, lắp phim vào thôi.
Còn việc mua phim, rửa tráng hay hỏng hóc máy móc đều phải gửi vào trong
Vân Đồn cả. Một tấm ảnh từ lúc chụp đến lúc có ảnh trung bình phải hai
đến ba tuần, nếu gặp khi biển động còn lâu hơn. Ban đầu chị chụp hỏng
nhiều lắm, chụp “thí nghiệm” gia đình, bạn bè không lấy tiền. Vừa chụp
vừa học cách chỉnh sáng, chỉnh tối, lấy nét. Năm đầu tiên chị ra nghề
gần dịp Noel, bà con giáo dân trên đảo Thanh Lân chụp khá đông. Chị chụp
từ sáu giờ tối đến gần một giờ đêm chỗ hang đá Bê - Lem. Ai cũng vui
mừng vì từ nay không còn phải sang tận Cô Tô để chụp nữa”.
Còn anh Mừng ngoài việc đơn vị còn mở thêm quán cắt tóc. Cái nghề cắt
tóc của anh bắt đầu từ năm tám tuổi, khi ấy, bố anh vì sức khỏe yếu nên
đi cắt tóc lấy công điểm cho hợp tác xã. Chiều chiều, hai bố con đi
quanh làng, đến nhà nào bao nhiêu khẩu cắt xong đánh dấu vào. Hết một
lượt làng cũng mất cả tháng. Cuối vụ bố mang sổ ra hợp tác xã để thư kí
tính công điểm rồi quy ra thóc. Chính từ những ngày đi theo bố như thế
mà anh đã tự động cầm kéo ngó ngoáy lúc nào không hay. Thử nghiệm đầu
tiên của anh là trên đầu bố mình. “Mày cứ cắt đi, không sợ”. Anh run run
cắt nửa sau, còn nửa trước thì bố soi gương tự cắt lấy. Quán “cắt tóc -
chụp ảnh” của anh chị mọc lên, thợ thuyền ghé vào “cắt gọn” chỉ cần
trắng, mát xung quanh là được. Cắt tóc xong phủi qua mặt mũi tươi cười
chụp cái ảnh gửi về cho gia đình. Thu nhập từ đây cũng tăng lên, nhưng
rồi thấy bà con dân đảo thiếu thốn hàng hóa, quần áo, chỗ vui chơi, thế
là chị mở thêm quán tạp hóa, bán thêm quần áo trẻ con, sau nữa thì xoay
qua mua bàn bi a cho thanh niên đến đánh, lời lãi chẳng đáng là bao
nhưng vui.
Còn mưu sinh của gia đình chị Phạm Thị Măng xưa là chăm vườn cam, làm
ruộng, đánh hà... Những năm gần đây anh chị vì tuổi cao không còn đánh
hà nữa. Nhưng thỉnh thoảng nhớ vẫn lần mần mặc quần áo bảo hộ, đeo găng
tay, xách xô rủ nhau đi. Hà bám chắc vào đá, người đi trước dùng búa đập
cho dập vỏ ra, người đi sau tách lấy nhân bên trong. Nếu không cẩn thận
khi tách thường bị đứt tay. Tôi hỏi anh chị bị đứt tay lần nào chưa?
Anh quay sang nhìn chị bảo “vợ trả lời đi” rồi nhìn đăm đắm vào mu bàn
tay đan chằng chịt những vết sẹo của người ăn đời ở kiếp với mình…
Những câu chuyện ở Cô Tô mới chỉ cách ít năm thôi mà nghe cứ như từ năm
nảo năm nào. Giờ đây, khi mỗi người một công việc khác, con cháu đề huề,
của cải đủ đầy, có người đi khỏi đảo Cô Tô về với nơi ít sóng gió hơn
là đất liền nhưng khi nhắc lại những kí ức bỗng ùa về, nó gần gũi, thân
quen như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Vừa tự hào, vừa thương cảm. Trong
bút kí Cô Tô cụ Nguyễn Tuân đã viết về nơi này như một vùng đón những
điều mới mẻ, tinh khôi với tâm thế vừa hồi hộp, vừa trịnh trọng như đón
một vị khách quý đến thăm nhà: Tôi dậy từ canh tư... Và ngồi đó rình mặt
trời lên. Điều tôi dự đoán, thật không sai. Sau trận bão, chân trời,
ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi
lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng. Lòng đỏ
trứng khổng lồ đặt lên một cái mâm bạc rộng bằng cả một cái chân trời
màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ
trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài
lưới trên muôn thuở biển Đông. Nhớ về những dòng này, tôi chợt nghĩ, nếu
cụ đến đảo bây giờ, nhỡ cấm tàu, đành phải ở lại, tôi sẽ vào bất cứ nhà
nào trên đảo mượn xe máy mời cụ đi thăm nhà lưu niệm Bác Hồ, trạm hải
đăng, Cầu Mỵ, bãi tắm Vàn Chải... Rồi nửa đêm gõ cửa, rủ cụ đi xem xe
pháo dân đảo dựng, để nguyên chìa khóa trước nhà. Lúc ấy cụ sẽ nói gì
nhỉ: Lười, lười đến thế là cùng, có cái xe cũng không thèm cất.
Gần bảy giờ, sắp đến giờ tàu về đất liền, tôi vội vàng chạy ra cầu cảng.
Trước mắt tôi, Cô Tô và đất liền giờ đây chỉ còn là một. Lá chắn biển
Bắc giờ đã không còn hiu quạnh, hoang vu như xưa nữa. Có được điều ấy là
nhờ sự “bám rễ” của những gia đình từ đất liền đến đây, đi đầu là những
gia đình lính. Có gia đình đến nay đã được ba thế hệ. Có tiếng khóc
chào đời vang tràn giữa biển khơi. Họ, rồi gia đình họ quần tụ trở thành
làng, thành bản. Chẳng thế mà ở đây có câu: Cô Tô ai cũng quen nhau.
Mỗi gia đình mới đến đảo lập nghiệp đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành
của cộng đồng nơi đây. Chính họ góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa, chủ
quyền nước Việt trên hòn đảo vùng Đông Bắc.
Nguồn: vannghequandoi.com.vn