“Tuổi trẻ rồi cũng sẽ trở thành ngày hôm qua...”

22/10/2021

  • lượt xem: 725

Ghi chép. NGUYỄN XUÂN THỦY

IMG 1962

Chắc hẳn bạn đã từng xúc động khi nghe một bài hát. Tôi cũng vậy, và lần gần đây nhất, đó là khi nghe một bài hát về tuổi trẻ. Bài hát ấy, không phải của thế hệ chúng tôi. Khi tôi hai mươi, còn quá lâu để nó ra đời. Có lẽ sự xúc động một phần bởi nơi nó vang lên, bởi cái cách mà người ta thể hiện. Đời loài người này rất vội/ Em ơi cứ sống sao cho mình thấy vui/ Sống như ta chưa từng được sống/ Cầm bàn tay ta đi qua đêm dài/ Tuổi trẻ này mình cùng nhau/ Khoác vai đi từ sáng tới đêm/ Hát lên như chưa từng được hát/ Vui nay thôi ai biết mai sau. “Quan trọng là thần thái”, cụm từ đang thịnh hành trên mạng xã hội, và tôi tin mọi trào lưu đều bắt đầu từ đâu đó, nên không phải ngẫu nhiên, cụm từ ấy có trong tâm thế của nhiều bạn trẻ bây giờ. Tôi đã thấy “thần thái” của họ trên đỉnh núi này vào một ngày mù sương. Tôi đã lặng đi trước nhóm bạn trẻ ôm đàn say sưa hát, bị quyến hoặc bởi cái gọi là “thần thái”, sự say mê của họ. Lúc ấy, mọi khái niệm đẹp xấu thường ngày đã không còn nữa, chỉ còn “thần thái” lung linh. Tôi cảm nhận rõ tình bằng hữu, mối giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên rượi sáng giữa mông lung mây trời. Chàng trai tên Tôn cùng nhóm bạn của cậu, những người cất lên bài hát có tên Bài ca tuổi trẻ trên đỉnh cao 3.046m hôm ấy đã khiến con tim đang bắt đầu lão hóa của tôi rung lên rộn rã.

Tôi không quen Tôn - cậu thanh niên tôi gặp trong một chuyến đi khá vội vàng và có phần mạo hiểm. Tôi đã quyết định tham gia đoàn leo núi chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử chỉ một ngày trước khi đoàn lên đường, nguyên do từ những bức ảnh quá mê hồn của những người đi trước lan toả trên facebook. Thông thường, trước một chuyến leo núi chinh phục đỉnh cao, người tham gia luôn có sự chuẩn bị chu đáo, chủ yếu là về sức khỏe, luyện tập độ dẻo dai, rồi tìm hiểu về địa hình, đồ dùng mang theo, trang phục… Nhưng với tôi thì khác. Vì quyết định chóng vánh, sau đó lại tiếp tục vùi đầu vào công việc để có thể hoàn thành trước giờ xuất phát, nên những thông tin tôi có chỉ là vài gạch đầu dòng. Rằng đây là một ngọn núi được ví như thiên đường nơi hạ giới, nơi lí tưởng để săn mây, có nhiều hoa đỗ quyên nở rộ đẹp kiêu sa bên sườn núi chênh vênh…

Bạch Mộc Lương Tử chỉ là cái tên do dân phượt tự đặt và gọi, thế nhưng nó lại đang có vẻ lấn lướt tên gốc Ky Quan San vốn là tên quốc tế của dãy núi sát biên giới Việt - Trung, ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Phong Thổ của Lai Châu và Bát Xát của Lào Cai. Cái tên Bạch Mộc Lương Tử không biết xuất phát từ đâu, có ý kiến cho rằng nó vốn là tên một đỉnh núi ở bên kia biên giới nhưng không hiểu sao lại được dân phượt gọi để chỉ đỉnh cao nhất của dãy Ky Quan San thuộc Việt Nam, thậm chí còn có vẻ được ưa chuộng hơn. Có lẽ, cái tên này nghe điệu đà, phù hợp với những bức ảnh chụp mây trời diễm lệ và hùng tráng, những cỏ cây, hoa lá, băng tuyết ở độ cao trên ba nghìn mét trong cung leo này. Nhưng sau khi kết thúc hành trình chinh phục, tôi hiểu rằng, nên gọi đỉnh cao này bằng tên gốc Ky Quan San thay vì bất kì một tên gọi nào khác.

Sau khi xuống xe giường nằm Hà Nội - Sa Pa, chúng tôi đi thêm sáu chục cây số nữa mới tiếp cận điểm leo tại xã Sàng Ma Sáo của huyện Bát Xát. Biển chỉ đường là Mường Hum, địa danh được nhắc tới trong bài Tình ca Tây Bắc: Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hum/ Cho thuyền em ngược (ơ) dòng, gió đưa em về núi. Bài Tình ca Tây Bắc tôi đã thuộc từ nhỏ, nhưng mãi hôm nay, khi đã ngoài bốn mươi tuổi, tôi mới được đặt chân đến nơi mà bài hát nhắc đến. Như các đoàn leo núi khác những năm gần đây, chúng tôi cũng thuê những người bản địa dẫn đường và gùi đồ (được gọi là porter). Còn người dẫn đầu đoàn phượt (được gọi là leader) của chúng tôi là một cậu sinh năm 1992. Khi tập trung tại nhà của porter, Tiến - leader của đoàn nói mọi người nên gửi lại những thứ đồ không thực sự cần thiết để giảm bớt gánh nặng khi leo núi. Trước lúc lên đường, liếc qua chỉ dẫn của nhóm, tôi ra siêu thị mua ít bánh kẹo, chocolate, nước uống bù muối và chuẩn bị một bộ quần áo đi mưa, nhưng khi được biết đoàn sẽ phát áo mưa, tôi đã bỏ lại bộ quần áo dày quỵch chuẩn bị từ nhà. Tuổi cao, sức có hạn nên có chút khôn lỏi, tôi tự nhủ chỉ mặc một bộ quần áo duy nhất trên người, nếu chẳng may có vấn đề gì về cái mặc, vẫn có thể mượn được ai đó trong đoàn. Tôi xác định bỏ lại tối đa đồ đạc để đổi lại một điều: Không bỏ cuộc. Thay vào đó, tôi mang theo một máy ảnh, dầu xoa, kem chống nắng, chống côn trùng, băng gạc và miếng dán sơ cứu.

Ky Quan San, đỉnh núi cao thứ tư của Việt Nam, là người anh em với Fansipan. Tuy nhiên, điều này quan trọng hơn, dù Fansipan mang tính biểu tượng là nóc nhà Đông Dương nhưng giờ dân phượt phần nhiều lại chuyển sang leo Ky Quan San bởi Fan giờ đã có cáp treo, mất đi sự hoang sơ và vô hình trung tạo nên một cuộc đua khập khiễng giữa cổ xưa và hiện đại: Người hì hụi khó nhọc leo với kẻ hớn hở ngồi băng băng lướt sóng núi rừng. Và còn một lí do nữa sau khi lên đỉnh Ky Quan San tôi mới hiểu, ấy là khi quá mệt mỏi và tuyệt vọng, tôi đã thầm ước, nếu như có cáp treo tôi sẽ không ngần ngại ngồi tọt lên phi vèo xuống chân núi về khách sạn mà ngâm chân cho giãn xương cốt. Nhưng cái sự “không có” bắt tôi không thể đầu hàng, buộc phải bước tiếp những bước chân chỉ chực khuỵu ngã. Với sự “không có” ấy, tôi cũng sẽ không phải chọn lựa ngặt nghèo trước khi leo núi như chàng sinh viên leo Fan nào đó, quyết tâm chỉ dắt lưng đúng năm mươi nghìn đồng để khi trở về dù có muốn cũng không thể đủ tiền mà mua vé cáp treo khi chân đã chùn, gối đã mỏi.

Tôi đã nghe chuyện của những phượt thủ leo Fan sau khi hệ thống cáp treo đi vào vận hành. Lúc những đôi chân theo đường núi chùn mỏi, phồng rộp, thậm chí là tứa máu chạm tới đỉnh núi, cũng là khi những gương mặt hân hoan bước ra từ cáp treo, thơm ngát nước hoa và tinh tươm váy áo, xô lấn giành vị trí chụp ảnh quanh đỉnh tháp như một thứ cộp dấu Fansipan vào tấm căn cước khám phá thiên nhiên Việt. Quá ngán ngẩm, dân leo Fan bảo nhau tính toán, sau nghỉ đêm sẽ leo chặng cuối thật sớm để giành lại vị trí độc tôn, giữ cho mình cảm xúc vỡ òa khi về đích mà run run xúc động sờ tay vào biểu tượng của nóc nhà Đông Dương mát lạnh khí trời, không bị phá quấy và ngó nhìn xoi mói từ những người thuộc về những chân trời khác. Nhưng dù thế thì có phải ai cũng có thể về đích sớm trước giờ cáp treo mở cửa đâu. Nên mới có chuyện một anh bạn leo Fan người Phần Lan, khi phải xuất phát vào lúc ba giờ sáng ở chặng cuối cùng, vì sợ nguy hiểm với việc leo núi trong đêm tối đã lùi lại để giữ an toàn, thế là muộn giờ về đích lí tưởng. Khi lên đến nơi, gặp cảnh khách đi cáp chen lấn xô bồ như giờ vàng khuyến mại tại các trung tâm mua sắm nơi phố thị, anh lạc lõng như một chàng hề và vô cùng thất vọng. Vậy nên, từ vài năm trước đã có ý kiến đề xuất của một phượt thủ là kiến trúc sư rằng, hãy làm riêng cho những người thực sự chinh phục nóc nhà Đông Dương một đỉnh tháp để tách bạch với đỉnh dành cho khách du lịch đi đường cơ giới. Tôi không leo Fan nên không biết bây giờ ý tưởng ấy đã thành hiện thực hay chưa, nhưng tôi nghĩ rằng, làm thêm một đỉnh tháp thì đơn giản, nhưng nhà thường chỉ một nóc, chứ hai nóc nghe cứ có gì đó sai sai.

Trở lại với chuyến leo Ky Quan San. Những lo xa quả không thừa khi vừa bước vào cung leo đầu tiên chúng tôi đã phải vượt qua nhiều con dốc với độ nghiêng khá lớn. Tôi nhanh chóng bị tụt lại phía sau, sau, và sau mãi. Tôi tự lên dây cót rằng, mình có thể đi chậm, nhưng không bỏ cuộc. Người ta bước hai bước mình sẽ bước một bước, phương châm muốn thành công phải giữ sức bền. Với huyết áp thấp cộng tim mạch không ổn định, ở nhà tôi chỉ leo đôi ba tầng thang bộ đã bở hơi tai. Vì thế, khi gặp những đoạn dốc cao, tôi dùng tiểu xảo đi theo hình zích zắc, kiểu này tuy quãng đường bị kéo dài ra nhưng độ dốc sẽ giảm. Đây là bí quyết cô giáo dạy vật lí thời cấp ba phổ biến cho chúng tôi khi đi xe đạp vượt dốc, giờ tôi chuyển sang áp dụng cho đi bộ. Thế là một mình tôi cứ “vắt sổ” trên con đường ngược núi. Ban đầu đường còn rộng nên có thể áp dụng chiêu này, còn lên cao hơn sẽ tính sau. Ở chặng một, những người trong đoàn vẫn còn hồ hởi lắm. Mà không chỉ có đoàn chúng tôi, xen kẽ trong đội hình là những người thuộc đoàn khác. Có không chỉ một đoàn leo Ky Quan San trong hôm nay. Một cô gái đoàn bên đi cùng tốp với tôi đã gào lên: “Ôi! Leo núi mà thế này thôi á, nếu vậy thì thất vọng lắm đấy, thế này gọi gì là leo”. Nghe vậy tôi thấy nể phục sức trẻ của các bạn và nhủ mình sẽ phải cố gắng hơn.

Tôi cứ mải miết đi, phía trước chỉ còn nhận ra một người cùng đoàn. Chúng tôi leo đến non trưa thì gặp các thành viên đoàn mình đang nghỉ tại một triền núi. Đây là điểm dừng chân ăn trưa. Lúc này tôi mới biết, đoàn của mình đã có hai thành viên bỏ cuộc. Họ đi sau chúng tôi và đã điện thoại cho leader thông báo dừng cuộc chơi, quay lại điểm xuất phát. Khu vực nghỉ đông vui nhộn nhịp đến khó tưởng. Ngoài đoàn chúng tôi tự tổ chức, vài đoàn khác là của các công ti du lịch có khoảng vài ba chục người một đoàn, từ Viettrekking, Viettravel, Viet Up… nhưng hầu hết cũng xé nhỏ thành từng nhóm theo các tốc độ leo khác nhau, chỉ dồn lại một chỗ khi nghỉ ăn trưa. Có đoàn mặc đồng phục cho dễ nhận biết thành viên. Nhưng rồi mọi thứ vẫn bị xáo tung theo một quy luật duy nhất chi phối: Tốc độ đi. Ai đồng tốc sẽ đồng hành. Nhưng tốc độ của mỗi người không ổn định nên suốt mấy ngày leo, mỗi chặng tôi lại có một vài bạn đường khác nhau. Sau này, cảm thấy những người ấy còn thân thiết hơn cả người cùng đoàn, dù chỉ là dăm ba câu trao đổi khi nghỉ vài phút ven đường.
IMG 4853
Tôn và nhóm bạn trẻ hát trên đỉnh Ky Quan San - Ảnh: NXT

Một bất ngờ nữa ấy là, tôi cứ nghĩ Ky Quan San thấp hơn Fansipan thì leo sẽ đơn giản hơn Fan, nhưng thực ra, nó dài hơn về đường đi và hiểm trở hơn. Fan tuy cao nhưng điểm leo xuất phát cao hơn, người leo có thể di chuyển tới đó bằng phương tiện cơ giới, còn Ky Quan San, điểm leo thấp hơn nên tính ra quãng đường thực sự còn dài hơn leo Fan. Một số cung chặng ở trên dưới điểm cao 2.100m khá hiểm trở với những dốc đá dựng đứng, người leo sau tầm mắt ngang mắt... cá chân người kế trước. Những vách đá dựng đứng chỉ có những vị trí đặt chân nhất định cho từng người lên một, không thể sai lệch nếu không muốn trượt ngã hoặc lăn xuống vách núi.

Một vài bí quyết giữ sức, giữ an toàn được chia sẻ giữa những người leo núi. Tôi thấy một người đàn ông lôi từ trong giày ra những miếng băng vệ sinh ướt đẫm để thay. “Tôi đã tưởng cả đời không phải dùng đến Kotex, cho đến một ngày...”. Câu nói hài hước vang lên khiến cả đoàn cười rộ trong tiếng thở hí hóp. Bí quyết “giảm xóc” chân này được nhân rộng từ những người lính trong hành quân dã ngoại. Bây giờ dân phượt hầu như ai cũng biết, chỉ là có lựa chọn sử dụng hay không mà thôi.

Trong lúc đang vừa một chút tủi thân, một chút tự mãn khi mình già nhất đoàn leo, tôi bắt gặp hai người đàn ông tầm trên năm mươi ở một quãng nghỉ, nên rất khâm phục, vội chạy lại làm quen. “Ôi, ngưỡng mộ các bác quá! Em cứ tưởng em là nhiều tuổi nhất, ai ngờ…”. “Ngưỡng mộ gì, đang bị chuột rút đây này…”, người đàn ông với quần hộp áo thụng bụi bặm phong trần vừa nhăn nhó như một chú ngựa già sa hố vừa nói. Tôi suýt phì cười trước tình huống này. Người bị chuột rút ngồi xuống giơ chân để người bạn đường kéo giúp. Kéo xong lại bẻ bẻ, nắn nắn.Thế nhưng, ba ngày sau, họ là những người chinh phục đỉnh núi và trở về, không chịu bỏ lại một mét nào.

Lại nói về tuổi, khi ở chân núi, lúc đăng kí với chính quyền địa phương trước khi leo, Hải, cậu sinh viên Đại học Thái Nguyên, người đi chung đoàn từ Hà Nội đã kêu ầm lên khi tôi khai sinh năm 1977. “Giời ơi! Anh bằng tuổi mẹ em đấy!”. Tôi nhìn qua các gương mặt đang làm thủ tục “check in” Ky Quan San, thấy phần nhiều ở tuổi hai mươi, một ít ba mươi, còn lại những kẻ ham hố đi trục vớt tuổi trẻ như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hết ngày thứ nhất leo núi, cô gái đã gào lên vì đường leo quá dễ ấy vẫn hăng hái lắm. Tôi đã nghĩ mình đang đồng hành với “thánh leo núi”, nói như ngôn ngữ bây giờ, nên vẫn thầm dõi theo cô gái này. Nhưng sự đồng hành ấy, chỉ diễn ra trước khi đến lán nghỉ. Trong chuyến trở về, gặp lại người bạn cô, hỏi thăm thì được biết “thánh leo núi” là một trong những người nằm lại lán nghỉ ở độ cao 2.100 mét, không leo tiếp vào hôm sau. Có 2 khu lán nghỉ. Một trên đỉnh đồi, gần đỉnh núi Muối. Một phía dưới, cách đó chừng nghìn mét. Lán dưới có tất cả bảy người ở lại, một con số không tồi.

Lán nghỉ là điểm dừng chân, là tuyến chờ để tiến lên và lui về chinh phục đỉnh cao nhất của hành trình. Mỗi phượt thủ leo Ky Quan San có hai đêm nghỉ lại đây. Nó giống như lán trại của một nông trường, đơn vị khai hoang, đơn vị xây dựng làm cho công nhân, hay đơn vị bộ đội đóng quân ở tạm. Hai lán nghỉ lợp tôn đỏ chói giữa núi rừng. Mỗi lán có sức chứa tầm 100 người. Thế mà dịp chúng tôi leo, cả hai đều quá tải. Không có giường riêng, tất cả được tính theo những suất chăn. Mỗi chăn hai người nằm. Nói là không phân biệt nam - nữ cũng không phải, nhưng nếu những dịp đông lúc nhúc như thế này, thì bạn chỉ may mắn được sử dụng một chăn nếu như đoàn bạn tổng số người lẻ và bạn là người thừa ra cuối cùng. Vậy nên, cơ hội đơn thân khi ngủ cũng khó ngang trúng số. Ở tối thứ hai, sau khi đã chinh phục đỉnh núi trở về lán, khu vực chúng tôi nằm có thêm một đoàn 4 người, 3 nam 1 nữ tầm trên hai mươi đến ba mươi tuổi, được phân hai suất nằm. Họ là những người mới lên chiều nay. Cậu trai trẻ bảo người nữ lớn tuổi hơn, “em lại nằm với chị nhé, như lần trước”. Cái câu chua thêm “như lần trước” thực sự ấn tượng với một dân phượt tay mơ như tôi. Câu nói ấy cho thấy họ đã đi với nhau không chỉ chuyến này. Và thực sự, tôi cũng không hề có một ý nghĩ gì về sự tế nhị giới tính hay mảy may nghi ngờ gì về xử sự của nhóm phượt láng giềng. Họ, đôi nam nữ ấy đêm nay sẽ chung nhau một tấm chăn trên độ cao 2.100 mét, ngay sát tấm chăn của hai người đàn ông chúng tôi. Họ, cũng như tôi tối qua, sau một chặng leo dài rã rượi, tắm rửa, ăn tối rồi nhanh chóng chui vào chăn với nguyên quần áo dài như đại đa số những người khác trong khu lán này. Mỗi người thu mình rồi nhanh chóng thiếp đi. Tôi ngủ để lấy sức mai xuống núi trở về. Và họ, ngủ để giữ sức mai chinh phục đỉnh cao 3.046m giống hành trình của chúng tôi hôm nay. Hai đêm ở lán nghỉ núi Muối, tôi có hai lần tỉnh thức. Một đêm là mơ hồ nghe mưa trút nước, mưa như thể ở trên độ cao này, nước vừa rời khỏi những đám mây ướt sũng là tưới thẳng xuống chúng tôi. Tiếng mưa dội mái tôn như tiếng gào khóc thảm thiết của đất trời. Đêm thứ hai là gió. Gió phạt thẳng vào các khe gỗ ghép làm vách nhà, đập những tấm bạt che bành bạch như xiết nợ, gió luồn những cánh tay vào khe vách như muốn kéo chúng tôi ra rừng sâu núi thẳm. Giữa cảnh ấy, xung quanh tôi vẫn là những tiếng ngáy nhẹ đều hoặc nặng nhọc. Những mưa gió bã bời ngoài kia chỉ lướt qua như những cơn mơ, như thể dội về từ tiềm thức. Tôi đồ rằng, đó là những giấc ngủ sâu nhất, trong sáng lương thiện nhất khi cái đồng hồ đo đếm những vân vi toan tính thường nhật đã lùi về con số 0, tạm dừng mọi vận động. Những mệt nhọc đã thanh lọc hết thảy để trả mỗi người về lại một sinh vật hiền lành.

Chặng cuối mỗi buổi leo luôn dài và xa ngái. Những đáp trả không thể gọn hơn của porter cho câu hỏi “sắp đến chưa” luôn là “sắp rồi”, có vặn vẹo thêm cũng chỉ “ba mươi phút nữa”, “hai mươi phút nữa”. Thế nhưng cái “sắp rồi” sẽ lặp lại đến cả chục lần, và có lẽ đó cũng là câu hỏi mà họ phải trả lời nhiều nhất, và hầu như lần nào cũng chỉ với một đáp án chung chung mờ mịt như mây trời vẩn vít quấn lấy bờ vai. Còn những ước chừng “ba mươi phút”, “hai mươi phút” thì là cách đo đếm của người trả lời theo tốc độ đi của chính họ. Ngày thứ nhất, đi ngược chiều với chúng tôi chỉ là một vài người bản địa, nhưng khi gặp, họ cũng chỉ tránh đường chứ không chào hỏi hay giao tiếp bằng mắt. Họ lướt qua chúng tôi như lướt qua một tảng đá, một cái cây rừng và gần như chúng tôi cũng lướt qua họ như vậy. Ngày thứ hai tôi gặp chính những người trong chuyến chinh phục đỉnh núi với mình cùng xuất phát hôm qua và giờ thì đang… quay về, thậm chí là những người đã cùng đi một chặng với tôi, rồi họ vượt lên để giờ đây đang trên đường khứ hồi. Tôi vừa đi vừa thở, vừa dừng lại chụp ảnh, khi mới đi đến phân nửa chặng đường thì anh bạn vốn xuất phát cùng đã trở về hùng dũng vì đã hoàn thành việc chinh phục đỉnh cao 3.046m. Trận mưa suốt từ đêm qua đến giờ làm cho con đường mòn, vốn đã khó xác định, tệ đi rất nhiều, đoạn thì trơn trượt, đoạn ngập trong bùn lầy bùng nhùng. Đến khi đổ dốc xuống một sườn núi, đôi giày nhựa tôi đi tỏ ra ích dụng khi lội nước, nay phản tác dụng trong việc bám sát mặt đất. Uỵch! Tôi bất ngờ bị trượt và phệt đít xuống nền đất rừng chỉ trong một nốt nhạc. Cánh tay chống xuống theo phản xạ tự nhiên đau nhói. Tôi gượng đứng dậy, chờ cơn đau lắng để tiếp tục bước. Lại bất ngờ “uỵch”. Lại đứng dậy bước. Lại “uỵch”. Ba cú ngã liên tiếp như trời giáng khiến ý chí bị thử thách ghê gớm, tôi cảm thấy chán nản, run rẩy nói với người đồng hành rằng, nếu tôi phải dừng lại thì cậu hãy cứ tiếp tục, đừng vì tôi mà bỏ dở việc chinh phục đỉnh cao. Nhưng rồi lúc ấy có một nhóm bạn trẻ đi tới, một trong số họ xách theo một chiếc túi hình cây đàn nhỏ, nói cười ríu ran. Đó chính là Tôn cùng nhóm bạn của cậu. Họ đã tiếp sức cho tôi. Tôi không thể bỏ cuộc!

Đoạn cuối của hành trình là những con dốc ngược ẩm thấp lẩn trong rừng trúc. Đôi chân mang giày của các phượt thủ ngập trong lớp bùn dày đến mắt cá, hơi thở hòa cùng sương trời. Đi một đoạn chúng tôi lại gặp một tốp từ hướng đỉnh đi xuống. Họ nở những nụ cười mãn nguyện của người chiến thắng động viên “cố lên, chỉ còn hai mươi phút nữa thôi”, “cố lên, chỉ còn mười phút là đến thôi”. Đáp lại, chúng tôi chỉ khẽ gật trong tiếng thở hí hóp, như thể đang dùng đến những gam năng lượng cuối cùng.
Và rồi chúng tôi cũng đến nơi.

Một khoảng sáng lộ ra, khi chúng tôi ngước lên thì không còn gì chặn tầm mắt nữa. Trời. Chỉ là trời mà thôi. Trời ơi! Vâng! Đúng là “Trời ơi”! Chúng tôi đến nơi rồi! Chúng tôi đã chiến thắng! Đỉnh Ky Quan San. Chúng tôi đã cao hơn nó. Cô porter người Mông ngồi đợi bên tảng đá từ bao giờ, nhẫn nại và dịu dàng như cô giáo mầm non phát cho chúng tôi khẩu phần ăn trưa. Nhưng tâm trí nào mà ăn nữa. Một nhóm lên trước chúng tôi đã xì pháo sáng lấp lánh hò hét quanh đỉnh tháp. Một nhóm khác thì đang thay những chiếc áo mới mang hình quốc kì để chuẩn bị chụp ảnh. Nhóm nào cũng mang theo những chiếc loa nhỏ bật nhạc. Tôn và nhóm bạn trẻ lôi đàn ra so dây, lôi điện thoại ra bật nhạc. Khi các nhóm chụp ảnh quanh đỉnh tháp đã vãn, Tôn và các bạn từ tốn đứng vào trước đỉnh tháp có chữ “KY QUAN SAN 3.046m”. Và hát.

Tôi đã ngồi đó, trong một niềm xúc động khôn tả giữa những lời ca hòa với mây trời. Tôn cất lời lĩnh xướng, giọng khỏe và vang của người cầm chịch. Đời loài người này rất vội/ Em ơi cứ sống sao cho mình thấy vui/ Sống như ta chưa từng được sống/ Cầm bàn tay ta đi qua đêm dài/ Tuổi trẻ này mình cùng nhau/ Khoác vai đi từ sáng tới đêm/ Hát lên như chưa từng được hát/ Vui nay thôi ai biết mai sau. Trong lòng tôi, rung lên những xúc cảm, quẩn đặc như những đụn sương. Tất cả cùng cất lên lời ca trên đỉnh Ky Quan San dù không cùng một nhóm, ít ai biết ai. Họ có cùng sở thích khám phá, cùng yêu ca hát và kết nối với nhau bởi chuyến đi này. Cây đàn nhỏ Tôn luôn mang theo bên mình, qua những con suối róc rách, qua những vách đá cheo leo để bây giờ cậu và mọi người cất lên lời hát của bài ca lên đường, như một tuyên ngôn của những người trẻ ưa xê dịch.

Hình ảnh Tôn và nhóm bạn khiến tôi liên tưởng đến những người lính thời chiến tranh. Biết bao cam go đói khổ, hành quân ra trận, đối diện với cái chết, nhưng tuổi trẻ vẫn cứ phơi phới, những cây ghuitar vẫn ngự trên vai họ vượt dãy Trường Sơn, tiếng hát vẫn cất lên khắp những cánh rừng cháy đỏ bởi thuốc diệt cỏ mang chất độc dioxin… Thì hôm nay, tại sao những lời ca như thế lại có vẻ hiếm hoi hơn? Tại sao người ta lại rút vào sau những phòng karaoke âm thanh chất lượng cao, hỗ trợ cho những giọng mèo đực cũng ngang tầm ca sĩ thay vì cất lên những câu hát ngẫu hứng giữa thiên nhiên rộng dài?

Có lẽ dịp tôi tham gia đoàn leo núi, số người leo Ky Quan San đạt đến con số kỉ lục, cỡ hai trăm nhân mạng. Người nối người ngược núi, bám theo những vách đá lởm chởm, nhiều đến nỗi một vài người dân tộc đi rừng về ngược chiều với chúng tôi đã phải thốt lên kinh ngạc, khi mà họ vốn rất ít lời. Điều gì đã mời gọi người người đổ lên núi cao thử chân cứng với đá mềm? Vài bức hình sống ảo, ngắm vài bông đỗ quyên, thể hiện một cái tôi cá tính? Không! Tôi nghĩ không chỉ có vậy. Chắc chắn sẽ còn điều gì hơn thế.

Ngày hôm nay, những giá trị sống đã thay đổi, khi mà người ta coi những chuyến đi, những điểm đến, những lần check in ở những địa chỉ danh giá, độc đáo đã trở thành một tài sản vô hình, một niềm tự hào hãnh diện thì những chuyến đi không chỉ là thứ trang sức màu mè. Đã không riêng những người trẻ hò nhau “xách ba lô lên và đi”, và việc “sáng thức dậy ở một nơi xa” đã trở thành một phong trào thì việc ai đó đi đâu đó trở thành chuyện thường ngày hết sức, chỉ còn hơn nhau là đi đâu mà thôi. Việc xê dịch hôm nay đã vừa trở thành thứ để đo đếm tình cảm vừa như một lời mời gọi ngọt ngào cho những lứa đôi cũng là bạn đồng hành trên những cung đường. Bây giờ, ngồi lướt facebook của các bạn trẻ, thế nào cũng gặp bức hình chủ nhân cầm tay ai đó mà không biết là ai, vì chỉ chụp đến chỗ cầm tay thôi kèm theo câu slogan “Em bảo em muốn đi, vậy anh sẽ đưa em đi” đầy tự mãn. Nhưng không chỉ có thế. Tôi đã gặp một cô gái cần mẫn vừa leo từng bước chậm chậm và nhẫn nại như cô Mỵ trong Vợ chồng A Phủ mà thi thoảng lại rẽ ngang rẽ dọc hai bên đường thu gom những bao nilon, những vỏ chai nước cũng không nhiều lắm vào một chiếc túi để giữ sự nguyên sơ thuần khiết của núi rừng. Phần đa những người leo núi là đơn thân, họ đi để thử thách chính mình. Nếu không có những chuyến đi điên rồ thì Châu Mĩ đã không được tìm thấy, mặt trăng sẽ chưa có người đặt chân và vũ trụ vẫn mênh mông bí ẩn đến khôn cùng. Phải chăng, chúng ta luôn đi tìm những thứ ngoài ta, khác ta ở thế giới này. Đi để nhìn lại mình. Đi để restart lại mình. Đi để định dạng lại mình. Và đi để mở ra những chân trời tươi mới, đánh thức những hạt mầm sáng tạo đang bị bào mòn và yên ngủ.

Nếu như ở trên đỉnh Ky Quan San tôi đã xúc động khi nghe Tôn và những người bạn của cậu hát Bài ca tuổi trẻ thì sáng hôm sau, ở đỉnh núi Muối lại là một sự xúc động khác. Hàng trăm con người đón đợi ánh bình minh như một nghi lễ. Bên một biển mây tráng lệ như dẫn dụ vào cõi thiên thai. Những tiếng ồ reo khi mặt trời vừa ló rạng, vầng dương đĩnh đạc và kiêu hãnh nhô lên tỏa ánh sáng nhuộm màu cho biển mây trắng kì ảo. Các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên với chân máy, máy ảnh, điện thoại liên tục làm việc. Mọi người cùng hòa vào thiên nhiên ở thời khắc thăng hoa, hân hoan và thành kính. Ở đây, có lẽ chúng tôi đã chạm đến tận cùng nhất của cảm xúc trong chuyến đi này. Nơi thiên nhiên có một quyền năng tuyệt đối, chi phối tuyệt đối.

Và bất ngờ nhất, giữa cảnh sắc thiên đường ấy, Tôn và các bạn của cậu lại xuất hiện, với cây đàn trên tay. Sân khấu tráng lệ đã trải sẵn trước một ngày mới và những lời ca đang nở trên môi. Tuổi trẻ này mình cùng nhau/ Khoác vai đi từ sáng tới đêm/ Hát lên như chưa từng được hát/ Vui nay thôi ai biết mai sau… Từ lúc nào tôi cũng hát, cũng hòa vào lời ca của Tôn và đám bạn trẻ. Tôi đã hát về một tuổi trẻ đã qua, tôi đã hát về một tuổi trẻ sống lại của mình trong rưng rưng trước một bình minh.

Và ông ơi, cuộc đời này còn dài được bao lâu/ Đôi chân ta đã đưa ta đi lang thang xa những đâu/ Trước mắt tuổi trẻ rồi cũng sẽ trở thành ngày hôm qua/ Ta cứ sống vui đê, vì hôm nay là món quà…

Tuổi trẻ rồi cũng sẽ trở thành ngày hôm qua, và những đỉnh cao rồi cũng sẽ lùi vào dĩ vãng, cả những đỉnh cao hữu hình như đỉnh núi chúng tôi chinh phục và những đỉnh cao vô hình khác mỗi người đạt được trong cuộc đời, nhưng nó mãi sẽ là những quầng sáng trong mớ kí ức có thể sẽ mù mờ lộn xộn khi mái tóc đã pha sương. Với tôi, chỉ cần từ nay về sau, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh một ngọn núi cao, tôi sẽ nhớ về chuyến đi này, sẽ hình dung về tôi của hôm nay, khi đứng trên đỉnh Ky Quan San, ưỡn ngực vươn cao, nghe mây bay, giơ cánh tay vớt từng cơn gió, để cảm nhận thời gian trôi qua những kẽ tay người.

N.X.T

Nguồn: vannghequandoi.vn