Tản văn . HOÀNG ANH TUẤN
Đó
là thứ cây thân gỗ, họ đậu. Trong năm cây hòe ra hoa hai đợt. Đợt đầu
cây hòe ra hoa vào tháng tư, sang tháng năm thu hoạch. Đợt cuối ra hoa
vào tháng chín, sang tháng mười thu hoạch. Những vụ, những mùa đều tính
theo âm lịch, tất nhiên là thế. Từ vụ lúa, vụ cau, vụ màu, cho tới vụ
hòe. Nếu vụ lúa tháng năm gọi là vụ chiêm thì vụ hòe gọi là vụ mùa và
ngược lại vụ lúa tháng mười gọi là vụ mùa thì vụ hòe gọi là vụ chiêm.
Tôi không biết vì sao lại gọi lệch nhau như thế. Hỏi cô Thúy tôi, cô
bảo, thấy các cụ đặt như thế, gọi mãi thành quen mà chẳng biết vì sao.
Quê tôi nhà nào cũng trồng hòe, ít thì vài cây góc sân, đầu ngõ, nhiều
thì bạt ngàn cả khu vườn. Những thân hòe thẳng tắp xù xì da rắn xếp hàng
nghiêm ngắn như những chiến binh áo xanh. Màu áo xanh của tán lá mươn
mướt giữa nắng tháng năm, rười rượi trong gió tháng mười.
Theo Đông y, hoa hòe dùng làm thuốc có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, hạ
huyết áp nên được các thương lái bên Thái Bình về tận làng thu mua sau
mỗi vụ. Các nhà trong làng đua nhau tích trữ hoa hòe để bán cho thương
lái. Có năm hoa hòe vọt giá, nhiều nhà có tiền xây nhà, sắm xe, nhưng
chẳng may hoa hòe rớt giá, không ai mua, đem ra phơi rồi lại cất, hoa
hòe vừa hao khối lượng, vừa kém chất lượng. Bán rẻ như cho. Mặt người
cũng héo như hoa hòe phơi thiếu nắng gặp mưa.
Cánh hoa hòe trắng ngà, nụ hoa hòe xanh biếc như ngọc. Nhưng chẳng ai để
hoa hòe nở rộ mới hái, vì nụ hòe mới là thứ bán được giá. Khi muốn hái
hòe, ít người trèo lên cây nếu không muốn ngã ùm xuống vì cành hòe giòn
tan - như bánh đa chợ phiên Hoành Nha. Người ta chẻ đôi đầu cây sào và
dùng thanh ngang đặt vào thành hình chữ vê rồi buộc dây chắc chắn. Luồn
đầu sào vào cuống chùm hoa, xoay nhẹ nhàng là chùm hoa đã lìa cành mắc
vào đầu sào. Khi ấy, hạ nhẹ nhàng cây sào xuống, gỡ chùm hoa cho vào
mẹt, vào thúng hứng dưới gốc chờ sẵn. Phải thật khẽ khàng, dịu dàng nếu
không muốn hoa rụng tơi tả. Bàn tay phụ nữ khéo léo nên thường đảm đương
việc hái hòe. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” quả không sai
chút nào.
Hoa hòe tuốt xong phơi nắng tháng năm rực rỡ, hong gió tháng mười hanh
hao mà khô nỏ, ngai ngái mùi thuốc bắc. Sân gạch trước ngôi nhà ba gian
mái ngói trước vẫn tận dụng phơi thóc giờ phơi hòe. Màu đỏ son của nền
gạch bị che khuất bởi những nong hòe mươn mướt đang lên hương. Gió từ
ngoài ao nhấc bổng hương hòe dạo chơi khắp thôn gần, xóm xa. Gió đẫm
hương hòe, gió mọng hương hòe, tưởng chừng gió cũng trắng, cũng xanh như
hoa, như nụ.
Tôi nhớ vào một đêm trăng sáng tháng năm sau vụ thu hoạch hòe, tôi nằm
cạnh bà trên chõng tre. Hương hòe khi mờ, khi tỏ, lúc hư, lúc thực. Bà
phe phẩy quạt nan kể cho tôi nghe câu chuyện về một ni cô chùa làng chưa
thoát tục, phá giới với trai làng trót có thai. Ni cô nghe ai mách uống
thật nhiều nước hoa hòe sắc đặc để sảy thai. Nhưng cái thai ngày một to
lên, sư trụ trì và các già biết được giận lắm. Ni cô bị đuổi khỏi chùa,
xấu hổ khăn gói quả mướp cùng gã trai kia đi biệt tích. Trong vườn
chùa trồng rất nhiều hòe, vì thế mà chùa làng tôi gọi là chùa Hòe. Nhà
chùa thu hoạch không kịp lúc hoa rộ, nên hoa hòe rụng trắng mặt ao, cá
rô tưởng mây trên trời rụng xuống thi nhau đớp. Sớm mai đi học ngang qua
chùa Hòe, tôi nghe gió thổi dạt muôn cánh hoa rụng như tiếng ni cô thở
dài thườn thượt. Lớn lên tôi cứ nghĩ, đi tu hay hoàn tục ni cô sẽ hạnh
phúc hơn? Hạnh phúc là con đường ta đang đi hay là cái đích ta muốn đến?
Hạnh phúc do mình lựa chọn và cũng thật khó so sánh. Ni cô không tu
thành phật thì cũng thành người để mà vui buồn sướng khổ giữa cuộc đời
bon chen đầy thương mến.
|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Quê
tôi có nghề dệt chiếu cói, không nổi tiếng như làng chiếu Nga Sơn, Kim
Sơn nhưng cũng có miếu thờ thành hoàng ở ngay đầu làng, giữa một vườn
hòe rộng. Có người liều lĩnh dám bẻ trộm hoa hòe vườn chùa, nhưng tuyệt
nhiên chưa ai cả gan ăn cắp hoa hòe ngoài miếu, vì nghe đồn khu miếu có
ma. Có người kể đi xem chiếu bóng làng bên về đến khu miếu thấy có cái
đòn gánh ai mắc đung đưa trên cành hòe, vội soi đèn pin định lấy xuống
thì thấy cái đòn gánh đỏ lòm như máu, trời đất ơi, không phải đòn gánh
mà là lưỡi của con ma thè ra. Con ma tóc xõa rũ rượi ngồi vắt vẻo trên
ngọn cây hòe với cái lưỡi dài chạm đất. Người này sợ quá, vứt cả đèn pin
tháo chạy, về nhà ốm ba ngày, ba đêm, phải sắm lễ nhờ thầy cúng mới
khỏi. Vì tin đồn ấy, mà vườn hòe khu miếu không ai dám lẻn vào bẻ trộm
nên hoa sai trĩu trịt. Làng giao cho ông từ trông coi, và trảy hoa đem
bán, tiền ấy dùng để mua hoa quả, vàng hương dâng lên thành hoàng mỗi
mùng một, ngày rằm.
Chè búp là thứ đồ uống xa xỉ, chỉ ngày lễ tết mới dám mua vài lạng về
pha trong ấm men rạn tiếp khách. Ông ngoại tôi thường pha hoa hòe khô
lẫn hạt muồng rang trong giỏ ủ ấm tích uống quanh năm. Ông bảo, uống hoa
hòe, hạt muồng giúp an thần, trị chứng mất ngủ. Nước hãm đặc sánh, óng
ánh như mật mía đi khắp năm gian nhà, phải thế không mà mái ngói phủ rêu
nâu bóng, cột gỗ lên nước nâu trầm.
Ở quê nghèo quá, bố mẹ tôi đưa con cái lên vùng kinh tế mới. Một mình bà
nội với căn nhà trống trải. Cây hòe vườn quê và gánh hàng xén chợ làng
đã lần hồi nuôi bà đi qua bao mùa đói ăn, thiếu mặc. Hoa hòe bán dành
dụm, củi hòe đun bếp lửa. Những chiều nhớ con, nhớ cháu, bà vun một đống
lá hòe đốt góc vườn, khói lên cay mắt. Ở nơi xa, bố mẹ và anh em tôi
làm sao nhìn thấy khói lá hòe của bà nội mỗi hoàng hôn. Năm bà nội mất,
chú tôi sai bọn trẻ thắt khăn tang cho những cây hòe trong vườn. Rồi mấy
năm liền, vườn hòe mất mùa, hoa ra lác đác. Vườn hòe cũng thương nhớ bà
mà quên trổ mấy mùa hoa.
Vụ hòe thu hoạch xong, vài bông hoa li ti còn sót lại trên vòm lá, bỗng
một hôm đậu thành những quả dài như quả bồ kết non. Có thằng trèo lên
hái xuống làm đạn súng phốc, không nổ giòn như đạn quả xoan, nhưng cũng
đanh phải biết. Đợi quả già rụng xuống đất, lũ con gái cặm cụi nhặt để
giả làm quả bồ kết nấu nước gội đầu cho búp bê.
Hồi còn đi học, tôi nhớ bài thơ Cảnh ngày hè của cụ Nguyễn Trãi có hai câu thế này:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương”
Tôi với cái Thùy hàng xóm học cùng lớp quả quyết rằng chắc chắn cụ
Nguyễn Trãi đi qua quê mình thấy vườn hòe đẹp quá mà tức cảnh sinh tình
làm bài thơ này. Đầu óc chúng tôi ngây thơ quá, nhỡ đâu quê Cụ cũng có
vườn hòe như quê mình. Khi ấy chúng tôi coi cây hòe là biểu tượng riêng
của quê tôi, chỉ quê tôi mới có.
Tôi biết màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên từ cỏ cây,
hoa lá, trong đó gam màu vàng lấy từ màu của hoa hòe để làm nên một dòng
tranh dân gian mang đậm hồn vía làng quê. Biết đâu màu vàng lóng lánh
ấy lại chẳng có đôi ba cánh hòe quê tôi góp mặt để làm nên màu dân tộc
như ví von của thi sĩ Hoàng Cầm.
Cây hòe quê tôi giờ đã thành cây thương phẩm giúp người dân thoát nghèo,
được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về kĩ thuật trồng trọt, chăm sóc nên
cây ít sâu bệnh, tươi hoa tốt nụ, vụ hòe bội thu. Niềm vui chứa chan
trong ánh mắt người trồng.
Bà nội đã mất, cô chú đi làm ăn xa nên tôi ít có dịp về quê. Nhưng mỗi
lần về tôi đều ra vườn hòe tha thẩn. Thương quá câu chuyện của bà đã xếp
vào ngăn kí ức của tôi một thời thơ bé. Hoa hòe quê nhà vương nỗi niềm
trên tóc. Tôi đi xa rồi lại trở về, trở về rồi lại đi xa, như một vòng
đời của hoa trổ ra rồi rụng xuống, sinh thành rồi hóa kiếp. Cứ lo toan
lắm, cứ bầm dập nhiều rồi lại về nghe hoa hòe kể chuyện ấm áp như lời
bà bắt đầu từ ngày xửa, ngày xưa…
Nguồn: dangcongsan.vn